Nafoods đặt mục tiêu giành vị thế số 1 xuất khẩu thanh long

Nafods Nông Sản
09:59 - 14/05/2022
Gian hàng của Nafoods tại một hội chợ quốc tế.
Gian hàng của Nafoods tại một hội chợ quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Nafoods Group (mã chứng khoán NAF) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 620 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong 5 năm tới, hướng tới mục tiêu giành vị thế số 1 xuất khẩu nước ép chanh leo và thanh long.

Tại đại hội cổ đông, báo cáo tài chính của Nafoods cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất năm 2021 đạt 1.614,7 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ, vượt 7,6% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận gộp đạt 291,5 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ, bằng 97,2% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 77,6 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ, vượt 2,1% kế hoạch đặt ra.

Với mục tiêu 2022, Nafoods cam kết sẽ phấn đấu đạt 1.800 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,5% so với thực hiện năm 2021, đạt 82 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5,7% so với thực hiện năm 2021.

Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu giành lại vị thế số một thị phần xuất khẩu các sản phẩm nước ép chanh leo, gia tăng và giữ vững vị thế số một thị phần xuất khẩu thanh long

Định hướng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững

Trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược phát triển bền vững vùng nguyên liệu của Nafoods trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, công ty đã có tuyên bố tầm nhìn là trở thành tập đoàn tiên phong trong việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững nhằm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp tự nhiên và an toàn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, đặc biệt là người nông dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods

“Đối với một doanh nghiệp nông nghiệp, để phát triển thành công thì cần phải có một chiến lược phát triển bền vững. Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, hiện nay Nafoods có 2 nhà máy sản xuất giống và một viện nghiên cứu giống chanh leo. Công ty đã được công nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với giống Nafoods 1, giống Quế Phong 1 và đang xin cấp văn bằng bảo hộ đối với giống Bách Hương 1”.

Năm 2021, Nafoods chiếm 40% thị phần cây giống chanh leo tại Việt Nam. Vùng nguyên liệu đã ứng dụng số hóa trong truy xuất vùng trồng, trên mỗi cây giống chanh leo đều có truy xuất nguồn gốc để từ đó có thể quản lý được vùng nguyên liệu.

Ông Hùng cũng cho biết, chiến lược của Nafoods trong thời gian tới là quản lý vùng trồng thông qua công nghệ; thay đổi tư duy bán hàng, cam kết truy xuất vùng trồng với khách hàng để đảm bảo chất lượng và uy tín.

Bên cạnh đó để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, Nafoods có kế hoạch hợp tác, phát triển các hợp tác xã. Trong đó Nafoods sẽ cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, đầu tư phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Chia sẻ về chiến lược phát triển của công ty thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho biết, trong quý 1/2022, công ty đã xây dựng chiến lược 2022 – 2026 bằng kế hoạch tiếp tục phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tập trung phát triển năm loại quả chiến lược (chanh leo, thanh long, xoài, dừa, dứa), và nghiên cứu bổ sung nhóm cây chủ lực trong tương lai (đu đủ, bơ, vải...).

Bên cạnh chiến lược về quả, trong 2 năm qua bổ sung nhóm hạt (điều, tiêu, cà phê...). Cùng với mảng kinh doanh truyền thống, bổ sung thêm mảng kinh doanh hàng tiêu dùng, với kênh bán hàng phong phú, đa dạng hơn: kênh truyền thống, kênh siêu thị, kênh thương mại điện tử.

Với chiến lược như vậy, HĐQT của NaFoods đã định hướng quy mô doanh số và lợi nhuận đến năm 2026 với tổng doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng; lợi nhuận ròng tăng từ 8 -10%, được phân bổ theo các mảng: kinh doanh công nghiệp đạt 4.000 tỷ đồng; mảng sấy thị trường Nga 1.500 tỷ đồng; mảng sấy ngoài thị trường Nga 1.500 tỷ đồng; mảng hạt 1.500 tỷ đồng; cây giống 500 tỷ đồng và các sản phẩm khác 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến phương án trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2022

Với những mục tiêu doanh thu mà Nafoods đặt ra đến năm 2026, ông Phạm Duy Thái, thành viên HĐQT cho rằng, để đạt được doanh số và lợi nhuận đó, cần phải có nguồn lực hỗ trợ từ cổ đông hiện hữu/nhà đầu tư chiến lược.

“HĐQT công ty định hướng trong kế hoạch 5 năm, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ 620 tỷ lên 2.000 tỷ, tương ứng với số lượng cổ phần phát hành thêm trong thời gian tới là khoảng 150 triệu cổ phần”, ông Thái cho biết thêm.

Trong kế hoạch năm 2022, HĐQT đã trình Đại học đồng cổ đông thông qua phương án phát hành khoảng 25 triệu cổ phiếu, trong 3 - 5 năm tới số cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu – cổ đông chiến lược dự kiến khoảng 100 triệu cổ phiếu (chưa bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho người lao động).

Ngoài ra, tại buổi thảo luận với cổ đông công ty, ông Johan Nyvene, thành viên HĐQT cũng độc lập giải thích về việc không chia cổ tức trong phương án phân chia lợi nhuận năm 2021 của công ty

Theo ông Johan Nyvene, năm 2018 – 2021, công ty đã không chia cổ tức cho cổ đông, để giữ lại lợi nhuận phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng của Nafoods, đồng thời tuân thủ cam kết với cổ đông IFC - cổ đông chiến lược, sở hữu cổ phần ưu đãi của công ty.

“Từ năm 2022, sau khi hết thời hạn cam kết với cổ đông IFC, công ty sẽ xem xét thực hiện việc trích một phần lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông. Dự kiến mức cổ tức của năm 2022 là tối đa 10 % vốn điều lệ”, ông Johan Nyvene trình bày với cổ đông của công ty.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.