Năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ vaccine phòng, ngừa COVID-19

dược phẩm Việt nAM
08:41 - 25/09/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
0:00 / 0:00
0:00
“Sang năm 2022, chúng ta sẽ tự chủ vaccine” là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Chiều ngày 06/09, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận định khả năng tự chủ vaccine của Việt Nam sẽ rơi vào thời điểm sớm nhất của năm 2022. Ông cũng thông tin rằng, hiện nay trong nước đang thử nghiệm lâm sàng 3 loại vaccine.

“Chúng ta mong muốn sớm có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất. Tuy nhiên, vaccine là một sản phẩm đặc biệt liên quan đến cả cộng đồng và nhiều thế hệ. Chủ trương của Thủ tướng cũng như Bộ Y tế là chúng ta làm nhanh nhưng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả", lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định.

Bộ Y tế thông tin, hiện nay, có 3 loại gồm NanoCovax, COVIVAX và vaccine ARCT-154 đang thử nghiệm lâm sàng trong nước. Trong đó, vaccine Nanocovax vừa có kết luận thử nghiệm cập nhật ngày 17/09/2021 với nhiều kết quả đáng ghi nhận:

Ngày 18/09, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vaccine Nanocovax (vaccine Nanocovax) với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 02/09/2021. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thống nhất kết luận:

Về tính an toàn, vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 1 của 11.430 người tình nguyện; kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 2 của 5.785 người tình nguyện).

Về tính sinh miễn dịch, vaccine Nanocovax có tính sinh miễn dịch dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể Anti-S IgG trên 924 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả xét nghiệm hoạt tính trung hòa virus trên 761 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả trung bình nhân hiệu giá kháng thể trung hòa PRNT ngày 42 sau tiêm mũi 1 trên 107 mẫu chủng Vũ Hán; 41 mẫu chủng Delta; 39 mẫu chủng Alpha).

Về hiệu quả bảo vệ (kết quả quan trọng nhất về chất lượng), đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine Nanocovax dựa trên số trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt.

Tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 03/2022.

Việt Nam sẽ tự chủ vaccine phòng, ngừa COVID-19 vào thời gian nào? Ảnh minh họa

Việt Nam sẽ tự chủ vaccine phòng, ngừa COVID-19 vào thời gian nào? Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.

Gần đây, chiều 24/09, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế đã công bố sản xuất thành công lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam.

Thành công này sẽ giúp Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Trong tháng 9 này, Công ty sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Bên cạnh đó về công tác ngoại giao vaccine, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ rất sớm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ngoại giao vaccine.

Trong thời gian qua, Tổ công tác về ngoại giao vaccine đã tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, huy động vaccine khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương qua các tổ chức quốc tế (như cơ chế COVAX) và đẩy mạnh các hoạt động vận động ngoại giao vaccine thông qua mạng lưới đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất không chỉ vaccine mà còn thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế. Dự kiến trong tháng 09-10/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ khoảng hơn 30 triệu liều vaccine./.

Tin liên quan

Đọc tiếp