Nam Định đưa kinh tế biển thành động lực thu hút đầu tư

Nam Định kinh tế biển
16:54 - 05/09/2022
Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, dự án xây dựng theo hướng 'xanh hóa' đầu tiên của Nam Định. Ảnh: KCN Rạng Đông
Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, dự án xây dựng theo hướng 'xanh hóa' đầu tiên của Nam Định. Ảnh: KCN Rạng Đông
0:00 / 0:00
0:00

Chỉ trong năm 2021 và 8 tháng 2022, Nam Định thu hút được 111 dự án với tổng vốn đầu tư gấp 8,5 lần vốn đầu tư của cả giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh đang có định hướng đưa kinh tế biển thành động lực thu hút đầu tư với 4 ngành chính, trong đó có du lịch. 

Du lịch là thế mạnh để phát triển kinh tế biển tỉnh Nam Định

Để có phương hướng thống nhất phát triển vùng kinh tế biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, đề ra định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành gồm công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.

Theo đó, hiện vùng kinh tế ven biển Nam Định đang đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn mỗi năm và dần trở thành động lực kinh tế. Đây là vùng tương đối rộng lớn (khoảng 724 km2 đất tự nhiên), chiếm 43% diện tích toàn tỉnh gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu).

Với lợi thế đường bờ biển dài 72km, tỉnh có khả năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ. Hiện nay, Nam Định đã xây dựng được nhiều khu du lịch biển thu hút du khách như khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia Xuân Thủy; khu du lịch nghỉ dưỡng tại các bãi tắm Thịnh Long, Quất Lâm và Rạng Đông.

Quy hoạch, xây dựng giao thông để làm động lực phát triển kinh tế

Với chủ trương để giao thông làm cú hích phát triển kinh tế biển, thời gian qua Nam Định đã đẩy mạnh xây dựng, quy hoạch, đầu tư nhiều dự án giao thông huyết mạch. Trong đó có dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua Nam Định với tổng chiều dài 65,8 km, đi qua cả 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy). Dự án có tổng mức đầu tư là 2.655 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng chiều dài 46km. Tuyến đường này nối từ huyện Nghĩa Hưng đến khu vực nút giao với Cao Bồ, huyện Ý Yên. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.326 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có mức đầu tư là 2.839 tỷ đồng, khởi công từ năm 2017 và đã hoàn thành năm 2021. Hiện dựng án đang bước vào triển khai giai đoạn 2.

Ngoài ra, Nam Định cũng đầu tư vào hệ thống hạ tầng dịch vụ cảng biển nhằm phát triển kinh tế hàng hải. Hiện nay tỉnh đang có bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có thể phục vụ được tàu trọng tải đến 3.000 tấn. Ngoài ra, còn các bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.

Cảng Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định có lượng hàng hóa đi qua tăng 30 - 40%/năm, thuộc nhóm cảng biển tăng cao nhất nước. Ảnh: VGP

Cảng Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định có lượng hàng hóa đi qua tăng 30 - 40%/năm, thuộc nhóm cảng biển tăng cao nhất nước. Ảnh: VGP

Vừa qua Nam Định đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung bến cảng biển chuyên dùng quy mô đến năm 2030 đáp ứng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư vào Nam Định

Về thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Theo đó, Nam Định tập trung hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận (trên 158 ha); sớm khởi công mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh (50 ha) và Khu công nghiệp Trung Thành, huyện Ý Yên (200 ha); đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên), Thanh Côi (Vụ Bản)...

Nam Định xác định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh kết hợp với nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó ưu tiên các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng, thân thiện với môi trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp