Năm thứ 2 liên tiếp xuất khẩu gỗ đạt trên 8 tỷ USD

Gỗ Việt nAM
21:10 - 11/07/2022
Năm thứ 2 liên tiếp xuất khẩu gỗ đạt trên 8 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính ghi nhận biến động trái chiều, Tuy nhiên, nhìn chung nửa đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này vẫn đạt kết quả khả quan khi chạm mốc 8 tỷ USD lần thứ 2.

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 8,2 tỷ USD). Hiện gỗ là 1 trong 9 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 5 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 119.400 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47 triệu cây, tăng 6%. Sản lượng gỗ khai thác trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,4 triệu m3, tăng 5,9%.

Hoạt động khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu là do nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu leo cao, chi phí vận chuyển lớn nên các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước từ đó thúc đẩy hoạt động khai thác gỗ phát triển.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao như Nghệ An đạt 723.800 m3, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021; Quảng Trị đạt 605.000 m3, tăng 9,5%; Tuyên Quang đạt 518.500 m3, tăng 9,8%; Yên Bái đạt 359.900, tăng 12,4%; Quảng Ninh đạt 358.100 m3, tăng 21,6%.

Về xuất khẩu, do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ tăng nhẹ.

Các thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, đạt 4,8 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2022 lại ghi nhận đà giảm, khoảng gần 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, các mặt hàng của Việt Nam liên tục bị khởi xướng điều tra và áp dụng thuế phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ, trong đó có mặt hàng gỗ. Các nhóm gỗ bị khởi xướng điều tra chủ yếu là các nhóm sản phẩm tủ bếp, bàn trang điểm và các bộ phận để lắp ráp. Mới đây, gỗ dán và tủ gỗ (một sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang bị Hoa Kỳ điều tra.

Phía Hoa Kỳ cho rằng, sản phẩm gỗ của Việt Nam có dấu hiệu sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ thị trường thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ của quốc gia này.

Trong khi đó, đối với thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Trung Quốc lại ghi nhận tín hiệu lạc quan dù bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid”. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc đạt trị giá 947 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 813 triệu USD).

Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Trung Quốc chiếm 10 1-2% tổng trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mặt hàng gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 sản phẩm, chủ yếu là gỗ dăm chiếm tới 80%. Khoảng 20% còn lại là sản phẩm gỗ (mã HS94).

Theo chuyên gia của Forest Trends là ông Nguyễn Vinh Quang, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Theo ông Quang, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại gỗ với Trung Quốc nhưng nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc của Việt Nam tăng nhanh hơn xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc. Thặng dư thương mại chủ yếu đến từ dăm gỗ.

Doanh nghiệp để xuất khẩu gỗ phải đáp ứng 8 điểm khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc. Cụ thể, doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận CITES, giấy chứng xuất xứ (CO), giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, vận đơn, hợp đồng, hóa đơn, danh sách đóng gói, lô hàng đường biển.

Với các thị trường khác, ngoại trừ xuất khẩu sang một số nước tại châu Âu ghi nhận đà giảm (Anh, Hà Lan, Đức) thì nhìn chung đều tăng trưởng nhẹ. Riêng với thị trường Malaysia, Nhật Bản và Australia là 3 thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất, lần lượt đạt 33%, 19% và 16,6%.

Dự địa cho phát triển ngành gỗ Việt Nam trong năm 2022 còn rất lớn, khi nhu cầu đồ gỗ trên thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm nay. Bao gồm nguyên liệu thiếu hụt và giá cao, cước phí tàu biển tăng cao, khan hiếm container rỗng…

Tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất khiến mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 5 đến 6 triệu m3 gỗ đang là nút thắt lớn trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tỉ trọng này tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra. Nguyên nhân là bởi đại dịch làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và tăng cước vận chuyển.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt 18 – 20 tỷ USD. Ngoài ra, ngành lâm nghiệp phấn đấu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5 – 5,5%/năm; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 ha giai đoạn 2021 – 2025.

Để hướng tới phát triển đạt 18 – 20 tỷ USD, 5 hiệp hội ngành gỗ đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường nội. 5 hiệp hội bao gồm Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA); Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA); Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định).

Mục tiêu của sự hợp tác là nhằm liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tin liên quan

Đọc tiếp