Nền kinh tế Mỹ tiếp tục sụt giảm trong quý 2/2022

KINH TẾ MỸ
16:31 - 29/07/2022
Sau khi sụt giảm 1,6% trong quý 1 đầu năm, nền kinh tế Mỹ tiếp tục sụt giảm 0,9% trong quý 2. Ảnh: Reuters
Sau khi sụt giảm 1,6% trong quý 1 đầu năm, nền kinh tế Mỹ tiếp tục sụt giảm 0,9% trong quý 2. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ hôm 28/7, nền kinh tế Mỹ sụt giảm trong quý thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang vừa tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để đối phó với áp lực giá cả.

Báo cáo kinh tế mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này trong quý II/2022 đã sụt giảm với tốc độ 0,9% hàng năm, đánh dấu sự sụt giảm liên tiếp trong 2 quý nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, Reuters nhận định báo cáo u ám này có khả năng sẽ không thay đổi quan điểm của chủ tịch Fed Jerome Powell về việc nâng chi phí cho vay nhằm hạ nhiệt tình hình lạm phát. Thay vào đó, nó có thể chỉ khiến cơ quan này trở nên kĩ lưỡng hơn trong việc tìm ra manh mối về kết quả của việc tăng lãi suất cũng như việc chính sách này liệu có đi đúng hướng dự đoán hay không.

Ngày 27/7 trong một bài phát biểu, ông Powell cũng nhấn mạnh rằng Fed muốn nhu cầu xuống thấp dưới mức tiềm năng trong một khoảng thời gian để tạo cơ hội cho lạm phát giảm xuống. Thêm vào đó, ông cũng bổ sung do các đợt tăng lãi suất đều lớn và diễn ra nhanh chóng, tác động lên nền kinh tế của nó có thể chưa được cảm nhận đầy đủ.

Vì vậy, có khả năng Fed sẽ bổ sung thêm các đợt thắt chặt trong lộ trình của mình.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Thị trường nhà ở u ám

Trong tất cả các hạng mục, lĩnh vực nhà ở luôn là nơi nhạy cảm với việc tăng lãi suất nhất, đồng thời cũng là nơi thể hiện rõ nhất các tác động từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trên thực tế ngay từ trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất hồi tháng 3, lãi suất thế chấp đã bắt đầu tăng gần gấp đôi kể từ cuối năm ngoái lên gần 6%. Điều này khiến những ngôi nhà vốn đã đắt đỏ còn trở nên xa vời hơn với người dân.

Tới quý 2, mức sụt giảm đầu tư chạm ngưỡng 14%, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 12 năm qua trừ khoảng thời gian nước Mỹ phong tỏa do Covid-19 trong quý II năm 2020. Các dữ liệu khác cũng cho thấy doanh số bán nhà, cụ thể là doanh số bán nhà đã sở hữu giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, việc xây dựng nhà ở và cấp giấy phép xây dựng cũng đồng loạt sụt giảm.

Từ kinh nghiệm rút ra được, việc sụt giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực nhà ở như thế này hiếm khi xảy ra bên ngoài một cuộc suy thoái kinh tế. Trên hết, do Fed có khả năng cao vẫn sẽ tăng lãi suất hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới.

Chi tiêu tiêu dùng chậm chạp

Theo báo cáo này của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng vốn chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế Mỹ đã giảm xuống tốc độ tăng trưởng hàng năm 1% trong quý 2. Trong quý trước đó, con số này ở mức 1,8%.

Theo Reuters, tốc độ tăng trưởng chậm lại do do chi tiêu hàng hóa giảm 4,4%. Nếu nhìn một cách tổng thể, nguyên nhân phần lớn tới từ lạm phát cao chứ không phải do phản ứng với chi phí đi vay cao hơn.

Ví dụ về danh nghĩa, người tiêu dùng đã chi nhiều hơn gần 6 tỷ USD cho thực phẩm tiêu dùng tại nhà so với quý đầu tiên. Tuy nhiên khi được điều chỉnh theo lạm phát, tiêu dùng lương thực vẫn giảm 33,5 tỷ USD và khiến lương thực trở thành lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế trong gần 50 năm qua.

Trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ tăng 4,1% trong bối cảnh mọi người thoát khỏi các hạn chế của đại dịch và bắt đầu chi tiêu cho du lịch và việc dùng bữa ở nhà hàng.

Tuy nhiên, không rõ điều này sẽ kéo dài bao lâu khi tất cả chi phí đều gia tăng do lạm phát. Theo ông Rubeela Farooqi thuộc High Frequency Economics, câu hỏi thực sự ở đây là sức mạnh duy trì của chi tiêu dịch vụ là bao nhiêu. Nguyên nhân là do một khi ở tình thế khó khăn này, các hộ gia đình sẽ sớm thắt chặt tiết kiệm và chịu thêm các khoản nợ tín dụng để trang trải cuộc sống.

Cảng Long Beach tại California, Mỹ, Ảnh: Reuters

Cảng Long Beach tại California, Mỹ, Ảnh: Reuters

Chi tiêu kinh doanh sụt giảm

Chi tiêu kinh doanh - hoặc đầu tư cố định không thường trực theo cách nói của Bộ Thương mại - giảm 0,1% trên cơ sở hàng năm. Sự sụt giảm này chủ yếu là do suy giảm chi tiêu mọi ngành ngoại trừ khai thác và khoan nhằm gia tăng sản lượng dầu trong khi giá năng lượng tăng vọt.

Theo chuyên gia kinh tế Michael Feroli của JP Morgan, nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang đánh mất đà, thể hiện ở sự sụt giảm trong chi tiêu kinh doanh cùng với sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng cho hàng hóa và đầu tư vào nhà ở.

Hàng hóa và xuất khẩu

Đối với sự chậm lại của tích lũy hàng tồn kho cùng sự thúc đẩy tăng trưởng thương mại, một số nhà phân tích cho rằng chúng là dấu hiệu cho một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Theo ông Peter Cardillo, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Spartan Capital Securities, sự chậm lại của tích lũy hàng tồn kho cho thấy các tập đoàn đang rất lo ngại và đang giảm chi tiêu. Các động thái này cũng là một phần của bầu không khí suy thoái.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.