Nga bắt đầu sơ tán hàng nghìn dân thường khỏi tỉnh Kherson

chiến sự Nga - Ukraine
19:26 - 20/10/2022
Đoàn xe nối đuôi rời khỏi tỉnh Kherson. Ảnh: TASS
Đoàn xe nối đuôi rời khỏi tỉnh Kherson. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Quan chức thân Nga tại tỉnh Kherson hôm nay thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang lãnh thổ Nga để “đảm bảo an toàn”, vì lo ngại các cuộc phản công của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, Kiev cáo buộc đây là hành động “trục xuất hàng loạt”.

Guardian đưa tin, ông Vladimir Saldo, người đứng đầu thành phố Kherson do Nga bổ nhiệm, cho biết kế hoạch sơ tán 60.000 dân qua sông Dnieper và sang lãnh thổ Nga diễn ra trong 6 ngày, với tốc độ trung bình có khoảng 10.000 người/ngày.

"Chúng tôi sẽ không đầu hàng ở thành phố này", ông Saldo tuyên bố.

Bình luận về kế hoạch này, giới chức Ukraine cáo buộc Nga đang “trục xuất hàng loạt” người dân Kherson bằng cách “gieo rắc nỗi sợ” để buộc họ rời đi. Người dân tại thành phố miền Nam Ukraine bắt đầu nhận được tin nhắn từ chính quyền thân Nga từ sáng ngày 19/10.

“Hãy sơ tán ngay lập tức. Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ pháo kích các khu dân cư. Xe buýt sẽ có từ 7h, từ (cảng sông) Rechport đến tả ngạn”, trích tin nhắn.

Người dân xếp hàng chờ rời khỏi Kherson. Ảnh: Izvestia

Người dân xếp hàng chờ rời khỏi Kherson. Ảnh: Izvestia

Kiev mô tả các thông báo của Nga là "một màn tuyên truyền" và yêu cầu người dân không tuân thủ yêu cầu sơ tán. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak chỉ trích Moscow đang cố “hăm dọa người dân bằng thông tin giả” về việc Kiev sẽ tấn công thành phố này.

Kế hoạch sơ tán dân khỏi Kherson được Moscow đưa ra trong bối cảnh Tướng Sergey Surovikin - tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, mô tả tình hình ở Kherson đang “rất căng thẳng”. Ông cảnh báo Ukraine sắp "tấn công ồ ạt bằng tên lửa và pháo vào Kherson" và cho biết sẽ không loại trừ khả năng phải đưa ra "những quyết định khó khăn", tùy thuộc vào tình hình quân sự và chiến thuật trên thực địa.

"Tình hình tại khu vực này rất khó khăn. Lực lượng Ukraine đang cố tình tấn công cơ sở hạ tầng và các tòa chung cư. Trong khi đó, NATO từ lâu yêu cầu Kiev tiến hành các hoạt động tấn công vào Kherson, bất kể thương vong về lực lượng vũ trang Ukraine hay dân thường", ông Surovikin nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ngày 19/10. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ngày 19/10. Ảnh: TASS

Trước đó, hôm 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật để chính thức hoàn tất các thủ tục sáp nhập 4 tỉnh Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia, sau khi các văn kiện này được Quốc hội Nga thông qua và Tòa án Hiến pháp công nhận tính hợp hiến. Quyết định được đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý của 4 vùng ly khai Ukraine hồi cuối tháng 9.

Đến ngày 19/10, Tổng thống Putin ban bố thiết quân luật tại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập trên, coi đây là những vùng thuộc “chủ quyền của Nga”. Theo quy định của pháp luật Nga, thiết quân luật cho phép chính quyền Moscow tăng cường quân đội, áp giới nghiêm, hạn chế di chuyển, kiểm duyệt và giám sát công dân nước ngoài.

Trong khi đó, Ukraine và các nước phương Tây đều lên tiếng chỉ trích việc Nga tổ chức sáp nhập 4 tỉnh Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev không đàm phán với Nga và nhấn mạnh rằng quân đội nước này sẽ tiếp tục các cuộc tiến công để giải phóng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.