Nga cáo buộc NATO từng tập trận gần vị trí rò rỉ đường ống Nord Stream

Nord Stream CHÂU ÂU
06:00 - 30/09/2022
Đường ống vận chuyển khí đốt Nord Stream 2. Ảnh: NewScientist
Đường ống vận chuyển khí đốt Nord Stream 2. Ảnh: NewScientist
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết NATO hồi tháng 7 đã tiến hành các cuộc tập trận sử dụng thiết bị dưới đáy biển sâu gần khu vực xảy ra sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream. 

“Các lực lượng NATO đã tiến hành tập trận ở đó (trong khu vực xảy ra sự cố đường ống Nord Stream). Binh sĩ Mỹ cũng được bố trí trên lãnh thổ của các nước lân cận. Tháng 7 này, tại cùng một địa điểm gần đảo Bornholm, Đan Mạch, NATO tiến hành các cuộc tập trận và sử dụng thiết bị dưới đáy biển sâu", bà Zakharova nói trong một cuộc họp, theo TASS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, NATO đã bố trí rất nhiều cơ sở hạ tầng quân sự trong khu vực này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Telegram

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Telegram

Bên cạnh đó, bà Maria Zakharova cũng lập luận rằng, sự cố rò rỉ xảy ra ở vị trí vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển. "Đây là những quốc gia ở vị trí trung tâm của NATO, được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất và được tình báo Mỹ kiểm soát hoàn toàn. Những cơ quan này hoàn toàn có quyền kiểm soát tình hình ở khu vực đó”, bà nói.

Cho đến nay, giới chức Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 vết rò rỉ trong đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.

"2 trong số 4 vết rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. 2 vết rò rỉ khác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch ", ông Jenny Larsson, người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Thụy Điển ngày 28/9 cho biết, theo Reuters.

Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Giới chức Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều nhận định nguyên nhân khiến hai đường ống Nord Stream bị hư hại là do hành vi phá hoại có chủ đích. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc. Liên minh châu Âu cũng nghi ngờ có hành vi phá hoại đằng sau vụ việc trên, đồng thời cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các hành động gây gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng.

Về phía Nga, nước này đã lên tiếng coi đây là hành động cố ý phá hoại và là biểu hiện của "cuộc tấn công khủng bố". Moscow đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp về sự cố đường ống khí đốt Nord Stream.

Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có công suất chung hàng năm lên tới 110 tỷ m3 khí đốt. Mặc dù cả hai đường ống đều không được sử dụng vào thời điểm xảy ra sự cố rò rỉ, nhưng hàng trăm triệu mét khối khí nén đã tích tụ trong hệ thống.

4 vị trí trên đường ống Nord Stream bị rò rỉ khí đốt. Ảnh: BBC

4 vị trí trên đường ống Nord Stream bị rò rỉ khí đốt. Ảnh: BBC

Theo ước tính của các chuyên gia từ Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, mỗi đường ống trên có thể chứa khoảng 100 triệu m3 khí nén. Nếu tính theo giá hiện tại, thiệt hại rò rỉ khí đốt có thể lên tới 500-600 triệu USD. Ngoài ra, sự cố này cũng gây tổn hại đến môi trường tự nhiên.

Theo giới chức EU, các cuộc điều tra nguyên nhân sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream có thể bắt đầu vào ngày 2/10. Tuy nhiên, có thể mất tới hai tuần để bắt đầu một cuộc điều tra thích hợp vì áp suất trong các đường ống khiến việc tiếp cận địa điểm gặp khó khăn, theo CNN.

Trong khi đó, tờ Tagesspiegel dẫn lời các quan chức Đức cảnh báo, nếu đường ống dẫn khí đốt Nord Stream không được sửa chữa nhanh chóng, một lượng lớn nước biển có thể xâm nhập vào hệ thống này và gây ra hiện tượng ăn mòn, dẫn đến không thể phục hồi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.