Nga khẳng định không chấp nhận phương Tây áp giá trần dầu

dầu mỏ NGA
07:46 - 04/12/2022
Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại cảng dầu thô Kozmino trên Vịnh Nakhodka, Nga, ngày 12/8. Ảnh: Reuters
Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại cảng dầu thô Kozmino trên Vịnh Nakhodka, Nga, ngày 12/8. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 3/12 tuyên bố Moscow "sẽ không chấp nhận" mức giá trần đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường biển mà các nước phương Tây đã nhất trí, đồng thời cho biết sẽ có các biện pháp phản ứng. 

"Chúng tôi không chấp nhận mức giá trần này", ông Peskov nói, đồng thời cho biết Nga đang đánh giá tình hình, tiến hành phân tích nhanh về thỏa thuận áp giá trần và sẽ đưa ra phản ứng sau đó, theo TASS.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Trước đó, trong cuộc họp ngày 1/12 của EU về đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường biển, các chính phủ đã tạm thời gật đầu với mức giá 60 USD/thùng và cơ chế điều chỉnh giá trần thấp hơn 5% giá thị trường.

Với biện pháp này, phương Tây muốn cắt giảm doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau lệnh cấm vận của EU với dầu thô của Nga. Theo đó, các nước vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga thay cho lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn lúc trước.

Ý tưởng thực thi việc này nằm ở chỗ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn giá do G7 và các đồng minh của họ đặt ra.

Do các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, quy định này sẽ khiến Moscow rất khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Leonid Slutsky cho rằng EU đang đe dọa an ninh năng lượng của chính mình khi áp giá trần dầu Nga. Ông Slutsky cũng khẳng định động thái này đã vi phạm luật thị trường.

Trong khi đó, ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, tái khẳng định lập trường của nước này rằng: “Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia thiết lập mức giá trần. Bắt đầu từ năm nay, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga”.

Bình luận về động thái áp giá trần đối với dầu Nga, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết mức trần này sẽ đặc biệt có lợi cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình – vốn đang phải chịu gánh nặng của giá lương thực và năng lượng cao.

"Với nền kinh tế đang bị thu hẹp và ngân sách ngày càng mỏng đi, mức giá trần sẽ ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin”, ông Yellen nói trong một tuyên bố.

Đáp trả lại, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chỉ trích đây là động thái "nguy hiểm" của phương Tây và cho biết Moscow sẽ tiếp tục tìm khách hàng cho dầu của mình.

"Các biện pháp như thế này chắc chắn sẽ dẫn đến sự biến đổi các quy tắc trên thị trường và người tiêu dùng sẽ bị áp đặt chi phí cao hơn đối với nhiên liệu thô. Bất chấp những lời tán dương hiện tại đối với công cụ nguy hiểm và bất hợp pháp này, chúng tôi tin tưởng rằng nhu cầu đối với dầu của Nga sẽ tiếp diễn”, cơ quan này khẳng định.

Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng vào ngày 1/12.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.