Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Italy vì 'rắc rối trung chuyển'

NĂNG LƯỢNG Italy
08:25 - 02/10/2022
Tập đoàn năng lượng lớn nhất Italy Eni. Ảnh: Reuters
Tập đoàn năng lượng lớn nhất Italy Eni. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Eni - tập đoàn năng lượng lớn nhất Italy thông báo, đối tác khí đốt Gaprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới nước này với lý do "không thể trung chuyển qua lãnh thổ Áo". 

"Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo rằng họ không thể cung cấp lượng khí đốt mà chúng tôi yêu cầu ngày hôm nay, với lý do không thể trung chuyển khí đốt qua Áo. Vì vậy, lượng khí đốt ngày hôm nay do Nga cung cấp cho Eni qua trạm trung chuyển Tarvisio sẽ ở mức 0", RT trích thông cáo ngày 1/10 của tập đoàn năng lượng Eni.

Tuy nhiên, Eni cũng khẳng định sẽ họ cung cấp thêm thông tin "trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt được khôi phục trở lại".

45% nguồn cung khí đốt tại Italy vốn nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Bloomberg

45% nguồn cung khí đốt tại Italy vốn nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Bloomberg

Trong một tuyên bố trên kênh Telegram, Gazprom cũng xác nhận hoạt động trung chuyển khí đốt qua Áo đã bị đình chỉ, sau khi doanh nghiệp vận hành đường ống dẫn khí tại Áo từ chối xác nhận phương án chuyển tiếp khí đốt đến Italy. Áo đang có một số thay đổi về quản lý thị trường khí đốt, vốn được áp dụng từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, Gazprom cho biết đang làm việc với các khách hàng Italy để giải quyết vấn đề này.

Italy đang là một trong số ít quốc gia châu Âu vẫn nhận được khí đốt từ Nga thông qua một đường ống vận chuyển còn lại tại Ukraine. Dòng khí đốt này sẽ chảy vào Italy sau khi đi qua đường ống tại Áo. Ngoài ra, danh sách các quốc gia châu Âu nhận được khí đốt từ Nga thông qua Ukraine bao gồm Slovakia, Moldova, Romania và Cộng hòa Czech.

Trước đó, cơ quan điều hành đường ống trung chuyển khí đốt ở Ukraine dự báo, tổng lượng khí đốt trong ngày 1/10 là 41,6 triệu m3.

Kể từ tháng 2, tỷ trọng khí đốt Nga trong lượng khí đốt nhập khẩu của Italy đã giảm từ 40% xuống còn 18%. Nhà chức trách Italy cho biết, họ có thể đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông bằng cách sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế. Rome cũng tuyên bố đã áp dụng kế hoạch tiết kiệm năng lượng để giảm tiêu thụ khí đốt, trong đó yêu cầu nhiệt độ sưởi ấm tại các tòa nhà sẽ giảm 1 độ C.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 đều gặp sự cố rò rỉ trên biển Baltic. Ảnh: Reuters

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 đều gặp sự cố rò rỉ trên biển Baltic. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream chạy từ Nga sang châu Âu đã xảy ra loạt sự cố rò rỉ. Tuy nhiên hiện tại, có rất ít câu trả lời rõ ràng về việc ai hoặc cái gì đã gây ra những lỗ thủng trên đường ống. Dù cả Nga và Liên minh châu Âu đều cho rằng sự rạn nứt là do hành vi phá hoại có chủ đích, nhưng các bên vẫn đang liên tục đổ lỗi cho nhau.

Một số chính phủ phương Tây cho rằng Nga là chủ mưu đứng sau các vụ phá hoại này. Nguyên nhân là để tước đi nguồn cung năng lượng cho châu Âu vào mùa đông nhằm đáp trả lại các biện pháp cấm vận kinh tế mà EU và Mỹ đã áp đặt lên nước này.

Trong khi đó, Điện Kremlin lại cho rằng các cáo buộc này lên Nga là vô lý và nhằm mục đích biến nước này thành kẻ xấu. Moscow tuyên bố đây có thể là “hành động khủng bố ở cấp độ nhà nước”, đồng thời sẽ điều tra vụ việc.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), các vết nứt trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream có thể gây ra đợt giải phóng khí nhà kính methane lớn nhất trong lịch sử và dẫn tới hệ quả tồi tệ về mặt khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.