Nga: Phương Tây đang hết cách gây áp lực lên Moscow

lệnh trừng phạt NGA
08:34 - 27/07/2022
EU đã có 7 gói trừng phạt Nga nhằm phản đối chiến sự tại Ukraine. Ảnh: Reuters
EU đã có 7 gói trừng phạt Nga nhằm phản đối chiến sự tại Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, các nước phương Tây đang chạy đua thực hiện các bước đối phó với Nga, tuy nhiên họ đang hết dần biện pháp để gây áp lực lên Moscow. 

TASS đưa tin, bình luận về khả năng châu Âu có ý định cấm cấp thị thực Schengen đối với công dân Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi có thể thấy rằng các nước EU và nhiều quốc gia Bắc Mỹ đang cạnh tranh với nhau để thực hiện biện pháp không thân thiện chống lại Nga. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy họ đang hết dần các biện pháp để gây áp lực lên chúng tôi, khiến chúng tôi thay đổi quan điểm".

Trước đó, các nghị sĩ từ 4 đảng lớn nhất của Phần Lan đã đề nghị ngừng cấp thị thực du lịch Schengen với công dân Nga và coi đây là một biện pháp trừng phạt Moscow.

Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ và có hành động trong trường hợp Phần Lan hạn chế cấp thị thực cho công dân nước này. Tuy nhiên, Moscow hy vọng sáng kiến ​​như vậy sẽ không được thực hiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố EU hết cách gây áp lực với nước này. Ảnh: TASS

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố EU hết cách gây áp lực với nước này. Ảnh: TASS

"Phản ứng của Nga sẽ là tiêu cực. Như chúng tôi được biết, cho đến nay, ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không được thông qua. Tất nhiên, bất kỳ hoạt động gây ảnh hưởng đến công dân Nga sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó từ Moscow", người phát ngôn điện Kremlin cho biết.

Ông Peskov cũng nói thêm rằng, phản ứng của Nga đối với các quyết định như vậy của Phần Lan sẽ là "dễ hiểu và dễ đoán".

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, phương Tây liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow trên nhiều lĩnh vực. Liên minh châu Âu đã công bố 7 gói trừng phạt Nga, trong đó có các hạn chế về kinh tế, tài chính, năng lượng, công nghệ, các ngành công nghiệp khác, cũng như lên danh sách đen các tổ chức và cá nhân Nga.

Cũng trong ngày 26/7, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến cuối tháng 1/2023. Ngoài ra, các nước thành viên EU cũng thông qua kế hoạch cùng cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung của Nga bị gián đoạn.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phản đối kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của EU. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phản đối kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của EU. Ảnh: Reuters

Hungary là quốc gia duy nhất trong số 27 thành viên EU phản đối kế hoạch cắt giảm khí đốt. "Chúng tôi là nước duy nhất lên tiếng sẽ bỏ phiếu phản đối, bởi vì đề xuất này hoàn toàn bỏ qua lợi ích của người dân Hungary", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, đồng thời chỉ trích kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt là "không chính đáng, không có tác dụng, không thể thực hiện".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga là "một sai lầm chiến lược" và nước này đang cố gắng khắc phục điều này. Ông nhấn mạnh rằng đây "không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung - Đông Âu" và các nước "phải cùng nhau giải quyết vấn đề này".

Trong thời gian qua, châu Âu liên tiếp phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi cùng nhau áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Khối này đang chứng kiến sự gián đoạn về nguồn cung khí đốt, trong khi giá năng lượng tăng vọt. Các biện pháp nhằm cấm vận năng lượng Nga đã tạo ra làn sóng chia rẽ trong nội bộ khối, vì một số nước thành viên phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Moscow.

Tin liên quan

Đọc tiếp