Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) được chụp từ tàu vũ trụ Nga năm 2018. Ảnh: Roscosmos

Nga rời trạm ISS năm 2024, chấm dứt 2 thập kỷ hợp tác không gian với Mỹ

ISS NGA
16:02 - 27/07/2022
Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos ngày 26/7 tuyên bố rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 và xây dựng một trạm vũ trụ riêng. Động thái này được xem là sự chấm dứt 2 thập kỷ hợp tác trong vũ trụ giữa Mỹ và Nga khi cùng xây dựng và vận hành trạm không gian.

Tuyên bố từ phía Nga

Theo RT, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov, đồng thời là Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga đưa ra thông báo trên trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

”Chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình với đối tác, nhưng quyết định rời trạm này sau năm 2024 đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một trạm quỹ đạo riêng của Nga”, ông Borisov nói.

Tổng thống Putin đã phản hồi rằng: “Tốt”.

Tổng thống Vladimir Putin và ông Yuri Borisov, người đứng đầu mới của Roscosmos, trong cuộc gặp tại Điện Kremlin, ngày 26/7. Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin và ông Yuri Borisov, người đứng đầu mới của Roscosmos, trong cuộc gặp tại Điện Kremlin, ngày 26/7. Ảnh: AP

Theo ông Borisov, đến năm 2024, Moscow sẽ bắt đầu phát triển Trạm Dịch vụ Quỹ đạo Nga (ROSS). Ông nhấn mạnh, kế hoạch này sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ quốc gia.

Động thái của Mỹ

Sau tuyên bố trên, NASA và các đối tác quốc tế khác đều bày tỏ hy vọng có thể duy trì hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế đến năm 2030.

New York Times đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ bất ngờ và lấy làm tiếc trước tuyên bố công khai của Nga. "Với những công trình khoa học quan trọng được thực hiện trên ISS, sự hợp tác chuyên nghiệp có giá trị mà các cơ quan vũ trụ đã có trong nhiều năm qua và đặc biệt là thỏa thuận mới giữa chúng tôi về hợp tác bay không gian, đó là một quyết định đáng tiếc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Các phi hành gia thực hiện chuyến đi bộ đầu tiên ngoài không gian của họ để thay thế các pin cũ bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), năm 2021. Ảnh: Roscosmos

Các phi hành gia thực hiện chuyến đi bộ đầu tiên ngoài không gian của họ để thay thế các pin cũ bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), năm 2021. Ảnh: Roscosmos

Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các phương án để giảm thiểu bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với ISS sau năm 2024 nếu Nga rời đi”.

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố ngày 26/7 rằng: “NASA cam kết vận hành an toàn Trạm Vũ trụ Quốc tế đến năm 2030”.

Hơn 2 thập kỷ hợp tác trong không gian

Trong gần nửa thế kỷ qua, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của các phi hành gia Mỹ và Liên Xô trên quỹ đạo năm 1975 trong sứ mệnh Apollo-Soyuz, hợp tác trong không gian đã được coi là cách để xây dựng mối quan hệ tích cực giữa hai nước, ngay cả khi căng thẳng ngoại giao vẫn còn. Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, hợp tác không gian vẫn được duy trì.

Phi hành gia Mỹ Tracy Caldwell Dyson (trái), phi hành gia Nga Alexander Skvortsov (giữa) và Mikhail Kornienko (phải) chụp ảnh sau cuộc họp báo tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, năm 2010. Ảnh: AP

Phi hành gia Mỹ Tracy Caldwell Dyson (trái), phi hành gia Nga Alexander Skvortsov (giữa) và Mikhail Kornienko (phải) chụp ảnh sau cuộc họp báo tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, năm 2010. Ảnh: AP

Ngày 17/6/1992, Nga và Mỹ ký kết thỏa thuận về hợp tác trong nghiên cứu vũ trụ. Theo đó, Roscosmos và NASA cùng chuẩn bị chương trình hợp tác "Hòa bình - Tàu con thoi". Từ đây, ý tưởng hợp nhất các chương trình quốc gia của việc xây dựng các trạm quỹ đạo đã nảy sinh.

Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đúc kết lại những nỗ lực xây dựng một trạm vũ trụ do Tổng thống Ronald Reagan đề xuất một thập kỷ trước đó, với tên gọi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và Nga là một trong những bên tham gia chính.

Phi hành gia Mỹ Joseph Acaba (trái), phi hành gia Nga Gennady Padalka (giữa) và Sergei Revin ngồi bên trong khoang ngủ Soyuz TMA-04M, năm 2012. Ảnh: AP
Phi hành gia Mỹ Joseph Acaba (trái), phi hành gia Nga Gennady Padalka (giữa) và Sergei Revin ngồi bên trong khoang ngủ Soyuz TMA-04M, năm 2012. Ảnh: AP
Phi hành gia Cơ quan Vũ trụ châu Âu Alexander Gerst (trái), phi hành gia Nga Maxim Suraev (giữa) và phi hành gia NASA Reid Wiseman, ôm nhau tại một cuộc họp báo năm 2014. Ảnh: AP

Phi hành gia Cơ quan Vũ trụ châu Âu Alexander Gerst (trái), phi hành gia Nga Maxim Suraev (giữa) và phi hành gia NASA Reid Wiseman, ôm nhau tại một cuộc họp báo năm 2014. Ảnh: AP

Quyết định này được coi là biểu tượng của sự hợp tác thời hậu Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường không gian trên thế giới. Từ năm 1995 đến năm 1998, các tàu con thoi của NASA đã cập bến trạm vũ trụ Mir của Nga và các phi hành gia Mỹ đã sống trên Mir. Mô-đun đầu tiên của ISS được phóng vào năm 1998 và các phi hành gia đã bắt đầu sống trên đó từ năm 2000.

Phi hành gia Pháp Thomas Pesquet (trái), phi hành gia Nga Oleg Novitsky (giữa) và phi hành gia Mỹ Peggy Annette Whitson (phải) chụp ảnh trước buổi kiểm tra thực hành cuối cùng của họ trong một cuộc mô phỏng tàu vũ trụ Soyuz tại Trung tâm Huấn luyện Không gian Nga, năm 2016. Ảnh: AP

Phi hành gia Pháp Thomas Pesquet (trái), phi hành gia Nga Oleg Novitsky (giữa) và phi hành gia Mỹ Peggy Annette Whitson (phải) chụp ảnh trước buổi kiểm tra thực hành cuối cùng của họ trong một cuộc mô phỏng tàu vũ trụ Soyuz tại Trung tâm Huấn luyện Không gian Nga, năm 2016. Ảnh: AP

Tuy nhiên, tương lai của hợp tác này trở nên không chắc chắn sau thông báo của người đứng đầu Roscosmos về việc Nga sẽ rời ISS sau khi cam kết hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm 2024.

Quan hệ giữa Washington và Moscow đã “nóng dần” sau khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Vào cuối tháng 4, Giám đốc điều hành trước đó của Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết Moscow sẽ rút khỏi ISS do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan tới xung đột tại Ukraine. Roscosmos cũng đã nhiều lần đặt vấn đề về việc kéo dài dự án đến năm 2030 nhưng phía Mỹ không đồng ý.

Số phận của ISS và trường hợp Nga thay đổi ý định

Nếu Nga thông qua quyết định rời ISS vào năm 2024, nước này có thể đẩy nhanh việc kết thúc dự án mà NASA đã chi khoảng 100 tỷ USD trong 1/4 thế kỷ qua.

Trạm Vũ trụ Quốc tế, vốn là sự hợp tác của Nga, Mỹ, cùng với tham gia của Canada, Châu Âu và Nhật Bản, là chìa khóa để nghiên cứu tác động của không trọng lượng và bức xạ đối với sức khỏe con người. Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành, nhưng đây là nghiên cứu cần thiết trước khi các phi hành gia bắt đầu chuyến du hành dài hơn tới sao Hỏa.

Hợp tác trong ISS cũng đã trở thành cơ sở chứng minh cho việc sử dụng không gian thương mại, bao gồm các chuyến thăm của những phi hành gia dân sự giàu có và sản xuất các sợi quang học có độ tinh khiết cao.

Các chuyên gia nhận định, từ "sau" trong "sau năm 2024" mà ông Borisov đề cập cho thấy Nga vẫn có thể thay đổi ý định và mở rộng sự tham gia của mình ngoài cam kết hiện tại.

Ông Phil Larson, Cố vấn không gian của Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cho biết: “Quyết định có thể được xem lại, hoặc có thể trở thành hiện thực".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thông báo của Nga đã làm mờ đi triển vọng duy trì hoạt động của ISS tới cuối thập kỷ này. Ông Pavel Luzin, nhà phân tích vũ trụ và quân sự Nga cho biết: “Việc rút khỏi ISS sẽ mất một thời gian. Rất có thể, chúng ta cần diễn giải điều này là Nga từ chối gia hạn hoạt động của trạm đến năm 2030".

Module của Nga đang kết nối trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), công trình không gian hợp tác của Nga, Mỹ, cùng với tham gia của Canada, Châu Âu và Nhật Bản. Ảnh: NASA

Module của Nga đang kết nối trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), công trình không gian hợp tác của Nga, Mỹ, cùng với tham gia của Canada, Châu Âu và Nhật Bản. Ảnh: NASA

Chính Mỹ cũng từng muốn đóng ISS sau năm 2024. Trước đó, trong báo cáo được công bố hồi tháng 1, NASA đã thảo luận về kế hoạch đẩy trạm ISS – với kích thước bằng một sân bóng đá vào bầu khí quyển, để bất cứ thứ gì còn sót lại khi sẽ văng xuống Thái Bình Dương. Chi tiết về kế hoạch vẫn chưa được tính toán.

Trong khi đó, phát biểu từ quỹ đạo trước một hội nghị về nghiên cứu trạm vũ trụ, ông Kjell Lindgren, một trong những phi hành gia NASA đang trên ISS, cho biết chưa có gì thay đổi tại trạm. “Đó là tin tức rất mới. Vì vậy chúng tôi chưa được thông báo chính thức nào. Chúng tôi được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ ở đây và nhiệm vụ đòi hỏi toàn bộ phi hành đoàn", ông nói.

Đọc tiếp