Nga sắp rút khỏi hàng loạt các tổ chức quốc tế

XUNG ĐỘT CHÂU ÂU
07:48 - 18/05/2022
Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS
Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm đáp trả các động thái mà Nga cho là “thù địch” tới từ các quốc gia phương Tây, nước này đang đưa ra các quyết định hướng tới việc rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế lớn, bao gồm cả WTO và WHO.

Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 17/5, nước này đã đưa ra quyết định chính thức rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic (CBSS). Hãng thông tấn TASS trích lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga đã gửi thông điệp tới phái viên của các quốc gia thành viên CBSS, Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell cũng như Ban Thư ký Hội đồng ở Stockholm.

Khi đưa ra nguyên nhân cho quyết định trên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tình trạng của CBSS ngày càng xuống cấp khi các quốc gia NATO và EU là thành viên trong đó đều từ chối đối thoại bình đằng với Nga. Các quyết định được đưa ra “bất hợp pháp”, mang tính “phân biệt đối xử” và vi phạm quy tắc đồng thuận khi Nga đã bị cấm tham gia các dự án của CBSS và Belarus bị đình chỉ với tư cách quan sát viên.

Do đó, sự hiện diện của Nga trong tổ chức này được coi như “không có ý nghĩa” và “phản tác dụng”.

Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: East Asia Forum

Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: East Asia Forum

Trong khi đó, Hạ viện Nga là Duma Quốc gia cũng đang thảo luận về khả năng nước này rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo ông Pyotr Tolstoy, Phó phát ngôn viên của Duma Quốc gia Nga, Bộ Ngoại giao đã gửi một danh sách các tổ chức như vậy tới Duma Quốc gia để thảo luận. Cùng với Hội đồng Liên bang (Thượng viện), kế hoạch này đang được đánh giá trước khi đi vào thực thi.

Trước đó, Nga đã rời Hội đồng châu Âu, Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việc Moscow rời WTO cùng WHO sẽ được coi như bước tiếp theo. Thêm vào đó, ông Tolstoy còn bổ sung thêm rằng chính phủ dự kiến sẽ sửa đổi các nghĩa vụ và hiệp ước quốc tế của Nga để khiến chúng không gây thiệt hại trực tiếp cho đất nước.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, nước này đã chịu hàng loạt các gói trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh EU. Hiện Nga đang là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới với hơn 10.000 lệnh cấm vận và gần đây nhất là gói trừng phạt thứ 6 của EU áp lên lĩnh vực dầu mỏ.

Tuy vậy, lĩnh vực năng lượng vẫn chứng tỏ là quân bài mạnh của Nga khi EU tiếp tục không đạt được sự đồng thuận trong việc từ bỏ dầu khí từ xứ bạch dương. Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao EU tại Brussels cũng phải thừa nhận rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ bị cắt khỏi gói trừng phạt thứ 6 do lập trường cứng rắn của Hungary.

Ngày 16/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto giải thích do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga, lệnh cấm vận sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban không có khả năng làm chậm quá trình áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Bất kể lập trường của Hungary như thế nào, phần lớn các thành viên EU cũng sẽ tự cắt bỏ dầu của Nga vào cuối năm nay.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.