Nga tiếp tục lùi thời hạn mở lại đường ống Nord Stream 1

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
11:47 - 03/09/2022
Nga tiếp tục lùi thời gian nối lại đường ống Nord Stream 1, gây khó khăn lớn cho châu Âu trước thềm mùa đông. Ảnh: Reuters
Nga tiếp tục lùi thời gian nối lại đường ống Nord Stream 1, gây khó khăn lớn cho châu Âu trước thềm mùa đông. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Do lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình bảo trì đường ống Nord Stream 1, Nga tuyên bố tiếp tục lùi thời hạn nối lại dòng chảy khí đốt hôm 2/9, làm trầm trọng thêm những khó khăn của châu Âu trong việc đảm bảo nhiên liệu cho mùa đông.

Trước đó, dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 chạy dưới biển Baltic được dự kiến sẽ hoạt động trở lại hôm 2/9 sau 3 ngày tạm dừng để bảo trì. Tuy nhiên khi tới thời hạn, công ty khí đốt nhà nước Gazprom lại tuyên bố trước đó 1 ngày rằng công ty không thể khởi động lại việc giao hàng một cách an toàn cho đến khi khắc phục được sự cố rò rỉ được tìm thấy trong một turbine quan trọng.

Dù vậy, công ty cung cấp các turbine cho đường ống Nord Stream 1 là Siemens Energy cho biết một sự cố rò rỉ như thế này không thể ngăn đường ống hoạt động. Thêm vào đó, tập đoàn cũng cho biết trạm máy nén Portovaya, nơi sự cố rò rỉ được phát hiện, vẫn có các turbine khác để tiếp tục duy trì hoạt động.

Theo RT, Moscow luôn khẳng định các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine mới là lý do cản trở hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Ngược lại, Brussels lại cho rằng đây là cái cớ và Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.

Nhằm ngăn chặn những gì được EU gọi là “là nỗ lực thao túng thị trường của Tổng thống Vladimir Putin”, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU nên áp đặt giới hạn giá đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga. Giá khí đốt bán buôn đã tăng vọt 400% kể từ tháng 8/2021, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và hộ gia đình châu Âu.

Trong bối cảnh đó, một số công ty châu Âu sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như các nhà sản xuất phân bón và nhôm, đã cắt giảm sản lượng do giá điện cao ngất trời. Trong khi đó, một số người tiêu dùng trong nước đã hạn chế sử dụng điện để tiết kiệm tiền khi hóa đơn năng lượng leo thang.

Trên thực tế, nhóm 7 bộ trưởng tài chính của khối này đã đồng ý hôm 1/9 về việc đưa ra giới hạn giá với nhập khẩu năng lượng từ Nga, bắt đầu bằng dầu. Tuy nhiên, Nga bác bỏ toàn bộ các cáo buộc sử dụng khí đốt làm vũ khí kinh tế hoặc thao túng thị trường khí đốt. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết Moscow sẽ cắt nguồn cung cấp cho châu Âu nếu Brussels áp đặt mức giới hạn như vậy, đồng thời cảnh cáo về các bất ổn sẽ xảy ra tại thị trường dầu mỏ thế giới.

EU muốn thông qua kế hoạch giới hạn giá năng lượng nhập khẩu từ Nga để phần nào ổn định tình hình năng lượng rối ren trong khối. Ảnh: Reuters

EU muốn thông qua kế hoạch giới hạn giá năng lượng nhập khẩu từ Nga để phần nào ổn định tình hình năng lượng rối ren trong khối. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết việc Nga giảm lượng cung cấp qua Nord Stream 1 cùng với lượng khí đốt thấp hơn qua đường ống trên lãnh thổ Ukraine đã khiến các quốc gia châu Âu phải vật lộn để nạp đầy các thùng chứa cho mùa đông. Cuộc khủng hoảng năng lượng này cũng khiến nhiều quốc gia khởi động các kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn đến phân bổ năng lượng và gây ra lo ngại về suy thoái cùng với các nỗi lo khác về lạm phát.

Cơ quan quản lý mạng của Đức cho biết nước này đã sẵn sàng hơn để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung cấp của Nga, nhưng các hộ gia đình và công ty phải cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Là quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga, Đức buộc phải chạy đua để lấp đầy các thùng chứa của mình trước mùa đông. Kho dự trữ đó hiện đã đầy gần 85%, nhưng Berlin cho biết việc đạt được mục tiêu 95% vào 1/11 sẽ rất khó khăn trừ khi các công ty và hộ gia đình sử dụng ít nhiên liệu hơn.

Reuters cho biết EU cũng đã vượt mục tiêu 80% dự trữ ngày 1/10 và sẵn sàng cho việc sử dụng hệ thống sưởi tăng lên. Tuy nhiên, châu Âu có khả năng cao không thể duy trì được điều này nếu Nga vẫn tiếp tục đóng đường ống trong suốt mùa đông.

Đọc tiếp