Nga tuyên bố nền kinh tế sụt giảm dưới 3% năm 2022

KINH TẾ NGA
11:10 - 30/08/2022
Nga tuyên bố triển vọng nền kinh tế của mình được dự đoán tốt hơn kỳ vọng. Ảnh: Reuters
Nga tuyên bố triển vọng nền kinh tế của mình được dự đoán tốt hơn kỳ vọng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/8, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov tuyên bố nền kinh tế quốc gia này sẽ chỉ sụt giảm dưới 3% trong năm 2022 ở ngưỡng thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Kể từ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, nền kinh tế Nga đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt. Tuy nhiên theo Reuters, những đòn trừng phạt kinh tế mà Nga phải chịu không gây ra nhiều thiệt hại như kỳ vọng và đồng ruble cũng phục hồi ngang ngưỡng trước chiến sự.

Cụ thể, ông Belousov cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ chỉ giảm "hơn 2% một chút" trong năm nay, thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự đoán khoảng 6% của IMF. Ngoài ra, ông cũng bổ sung thêm mức giảm sẽ tiếp tục được rút xuống không quá 1% vào năm 2023. Trước đó, Bộ Kinh tế Nga từng đưa ra cảnh báo về mức giảm hơn 12% - mức giảm sản lượng kinh tế lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng giữa những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Theo tuyên bố của ông Belousov, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có và nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Nga, chính phủ không thấy dấu hiệu nào cho thấy tình hình thị trường lao động đang xấu đi. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi dịch vụ thống kê bắt đầu công bố con số vào năm 1992 theo cơ sở dữ liệu của Eikon.

Về mặt lạm phát, các dự đoán của ông Belousov cũng cho thấy chiều hướng tích cực hơn. Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm là 17,8% vào tháng 4 khi đồng ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục, tỷ lệ lạm phát cả năm của Nga sẽ giảm xuống còn 12% tới 13% theo tuyên bố của ông Belousov.

Trong một cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, ông Belousov cho biết tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên ngưỡng 17% do Nga đã mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Tuy nhiên nhờ các tuyến đường thương mại mới và nhập khẩu song song, nhập khẩu hàng tiêu dùng của Nga đã được phục hồi, từ đó giúp cải thiện tỷ lệ lạm phát. Nguyên nhân là do nhập khẩu là một vấn đề then chốt và hạn chế nhập khẩu là một trong những công cụ, đòn bẩy của toàn bộ logic của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Để bảo vệ cho người tiêu dùng sau khi nhập khẩu truyền thống sụt giảm mạnh, Nga đã đưa một loạt các sản phẩm từ các nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ và thương hiệu tiêu dùng nước ngoài vào kế hoạch nhập khẩu song song.

Tuy nhiên, nhập khẩu đầu tư lại bị ảnh hưởng nhiều hơn và được dự đoán sẽ giảm tới 20% trong năm nay. Cụ thể, ông khẳng định tình hình vẫn còn khá khó khăn do hạn chế nhập khẩu thiết bị đầu tư và các lệnh trừng phạt khác. Vì vậy, ông Belousov đưa ra dự đoán suy giảm đầu tư vốn sẽ đạt mức tối đa trong quý 4 năm nay và đầu năm sau.

Đọc tiếp