Ngân hàng Nhà nước sẽ cứng rắn với sở hữu chéo, cho vay BOT

NGÂN HÀNG Việt nAM
10:13 - 24/05/2022
Ngân hàng Nhà nước sẽ cứng rắn với sở hữu chéo, cho vay BOT
0:00 / 0:00
0:00
Trình bày báo cáo về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa 15 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ cứng rắn với vấn đề lợi ích nhóm, cho vay các dự án BOT, BT.

Nợ xấu đáng chú ý

Theo báo cáo bổ sung tới các đại biểu Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5 về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho thấy, doanh thu và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bị sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn đã khiến chất lượng tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy hiện nay tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2% nhưng với khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể kéo dài trong thời gian tới sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Ngoài ra, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù thời gian gần đây, kết quả kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, song kết quả này có được chủ yếu là do các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ các mảng hoạt động dịch vụ.

Trong bối cảnh đó, dự báo tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.

Cứng rắn với sở hữu chéo, cho vay BOT

Đối với các dự án BOT, BT giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực này để hạn chế rủi ro thanh khoản.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, sàng lọc các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn đề hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, cũng là giải pháp được ngành ngân hàng báo cáo Quốc hội.

Giải pháp tiếp theo liên quan đến lãi dự thu cũng được Ngân hàng Nhà nước chú trọng trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội. Ngân hàng Nhà nước xác định thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt, các khoản có lãi dự thu lớn để kịp thời thực hiện thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng xác định tăng cường công tác phối hợp, trao đổi cho các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông tin về tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng như các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để lực lượng công an có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả, thiệt hại xảy ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp