Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell cam kết giúp Việt Nam nâng hạng thị trường

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:20 - 25/06/2022
Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell cam kết giúp Việt Nam nâng hạng thị trường
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và FTSE Russell đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán phát triển bền vững, đặc biệt là sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp thường xuyên trong vấn đề nâng hạng thị trường.

Ngày 24/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện FTSE Russell về việc cập nhật tiến độ và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc, về phía UBCKNN có bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và đại diện một số đơn vị thuộc UBCKNN, cùng đại diện các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Về phía đoàn công tác có sự tham dự của ông Ketut Kusuma - Tư vấn cao cấp thị trường tài chính, Điều phối trưởng chương trình thị trường vốn Việt Nam của WB và ông Tim Batho - Trưởng Bộ phận chiến lược, Chính sách chỉ số, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FTSE Russell.

Toàn cảnh buổi làm việc chiều ngày 24/6. Ảnh: UBCKNN

Toàn cảnh buổi làm việc chiều ngày 24/6. Ảnh: UBCKNN

Tại buổi làm việc, các bên đã cùng cập nhật và trao đổi về tình hình thực tại, cũng như nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn để hỗ trợ quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, UBCKNN và các đơn vị liên đã có nhiều buổi làm việc với các thành viên thị trường về việc gỡ bỏ những vướng mắc về ký quỹ trước giao dịch, xây dựng Đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cơ sở; nghiên cứu xây dựng Chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR), thúc đẩy việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch…

Cũng tại buổi làm việc, đại diện WB và FTSE Russell đã đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan và thành viên thị trường trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Đồng thời, đại diện các đơn vị cũng đề xuất một số giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm cải thiện và hoàn thiện để được nâng hạng.

Đáng chú ý, đại diện WB và FTSE Russell cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt là sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp thường xuyên trong vấn đề nâng hạng thị trường.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo UBCKNN cũng thông tin, vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đưa vào Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và đặc biệt là đang được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan rất quan tâm. Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực, phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới các tiêu chí nâng hạng.

Đồng thời, UBCKNN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, trao đổi từ phía WB và FTSE Russell để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Trong ngày 24/6, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Kết quả này có lẽ cũng đã được dự báo từ trước vì đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu cực hơn.

Nhận định về tiềm năng nâng hạng thị trường chứng khoán, theo dự báo của ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, chặng đường nâng hạng của Việt Nam có vẻ vẫn còn xa, ít phải đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong khi đó, một báo cáo mới đây, HSBC cho rằng, dù Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên nếu thực hiện cải cách các vấn đề chính nổi cộm gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và còn nhiều hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch,...thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước đợt xem xét mới vào tháng 5/2023.

Đọc tiếp