Ngành chế biến chế tạo khởi sắc vượt qua đại dịch

Công nghiệp Việt nAM
13:59 - 29/04/2022
Ngành chế biến chế tạo khởi sắc vượt qua đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4 vẫn duy trì mức tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điểm nhấn là ngành chế biến chế tạo đã đánh dấu sự hồi phục sau Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát giúp các doanh nghiệp chủ động về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện phục hồi và mở rộng sản xuất. Vì vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19), sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng tăng 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức 9,5% của năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%, thấp hơn 3,8 điểm phần trăm so với mức 12,1% cùng kỳ năm 2021, đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm, ngành khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II không chỉ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, mà còn vượt mức tăng của cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Theo đó, cao nhất là ngành sản xuất phục trang với mức tăng 20,1%, tăng 2,5 lần so với con số của năm 2019. Ở chiều ngược lại, mức giảm cao nhất đến từ ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic với mức giảm 12,9%.

Duy trì được tốc độ hồi phục của tháng trước, trong 4 tháng đầu năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương là Hà Tĩnh và Trà Vinh, với mức giảm lần lượt là 7,9% và 19,7%.

4 tháng đầu năm nay, mức tăng của các sản phẩm công nghiệp chủ lực còn tương đối khiêm tốn so với mức tăng vọt của cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số sản phẩm duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là linh kiện điện thoại, tăng 21,5%, vẫn thấp hơn mức 29,2% của năm trước. Ngoài ra, còn có các sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên, ô tô, thép cán với mức tăng lần lượt là 13,5%, 12% và 9,6%, trong đó trừ vải dệt từ sợi tự nhiên vẫn tăng hơn 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, còn lại, tốc độ tăng của ô tô và thép cán đều giảm so với con số 52,5% và 61,8% của năm 2021.

Tuy vậy, mức tăng này vẫn thể hiện sự chuyển dịch tích cực của các ngành nghề. Như việc gia tăng lượng ô tô sản xuất trong nước, tăng sự chủ động đáp ứng thị trường của ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Ngoài ra, thép cán vẫn có sự tăng trưởng do nhu cầu cao từ cả thị trường trong nước và nước ngoài. Và một mặt hàng xuất khẩu mạnh khác là vải dệt từ sợi tự nhiên, đáp ứng sản xuất xanh, bền vững của ngành may mặc theo xu hướng chuyển dịch của thế giới

Bên cạnh đó, một số sản phẩm tuy có mức tăng vọt trong năm ngoái nhưng lại không duy trì được trong năm nay là tivi, điện thoại di động, sắt và thép thô với mức giảm lần lượt là 18,9%, 9,9% và 5,8% so với con số tăng trưởng 21,3%, 20,9% và 17,4% của 4 tháng đầu năm 2021.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/4/2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp