Ngành dệt may châu Á tăng tốc chấm dứt thời trang nhanh

Ngành dệt may châu Á tăng tốc chấm dứt thời trang nhanh

Dệt May CHÂU Á
10:01 - 20/06/2022
Chuỗi cung ứng thời trang tại châu Á sẽ sớm chuyển đổi sang xu hướng sử dụng quần áo chất liệu bền, có thể tái chế - nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và tránh lãng phí.

Thời trang nhanh là ngành công nghiệp trang phục dùng một lần, được xây dựng dựa trên thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Xu hướng này ngày càng được củng cố bởi cả những tín đồ thời trang, những người sẵn sàng mua hàng để chỉ dùng một lần, trong khi các công ty may mặc dựa vào vật liệu và nhân công giá rẻ để sản xuất nhanh chóng.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thực hiện nhiều mục tiêu xanh, từ thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu (thuế biên giới carbon), cho đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và nhựa. “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” mà Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày trước nghị viện vào ngày 17/5, là chiến lược mới nhất trong những nỗ lực trên.

Theo đó ngành thời trang nhanh sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên từ những thay đổi chính sách nói trên. Các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU sẽ phải có thời gian sử dụng dài, có thể sửa chữa, tái chế và được làm từ sợi tái chế, không chứa chất độc hại, được sản xuất vì quyền lợi xã hội và môi trường.

Nhãn trên các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. McKinsey cho biết chưa đến 10% hàng dệt may toàn cầu được làm từ những nguyên liệu như vậy. Ảnh: Nikkei Asia

Nhãn trên các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. McKinsey cho biết chưa đến 10% hàng dệt may toàn cầu được làm từ những nguyên liệu như vậy. Ảnh: Nikkei Asia

Người tiêu dùng được hưởng lợi lâu hơn từ hàng dệt may chất lượng cao giá cả phải chăng. Khi đó thời trang nhanh không còn là mốt được ưa chuộng và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng sẽ phát triển rộng rãi. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.

Nói thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICDE) đánh giá: "Các tác động đến môi trường vốn không thể nhìn thấy trực tiếp, nhưng nó đang dần được tích lũy từ một nghìn, một triệu cho đến một tỷ người".

Do đó ông Quân hy vọng, với yêu cầu “xanh” của EU đối với sản phẩm dệt may, việc kinh doanh thời trang có vòng đời ngắn với số lượng lớn sẽ nhường chỗ cho một mô hình sản xuất mới, trong đó các nguồn lực sẽ luân chuyển thông qua việc tái sử dụng. “Chúng ta có thể tạo ra những thứ gì đó mang vẻ đẹp từ vật liệu tái chế”, ông cho biết.

Trong khi đó, theo công ty tư vấn quản lý McKinsey, sản lượng hàng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014. Đây là thời kỳ mà người bình thường mua nhiều quần áo hơn 60% nhu cầu, nhưng chỉ giữ đồ lâu bằng một nửa.

Trong 2 thập kỷ qua, giá cả quần áo đã giảm khi các công ty may mặc chuyển sang sử dụng các loại vải tổng hợp làm từ nhiên liệu hóa thạch vì chúng có giá thấp hơn bông vải. Đồng thời, châu Á cũng trở thành trung tâm xuất khẩu quần áo hàng đầu sang châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Theo Eurostat, EU là nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới, thông qua 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Ấn Độ.

Các thương hiệu nổi tiếng như Decathlon, Uniqlo và H&M cho biết họ đang làm việc với các nhà sản xuất châu Á từ Trung Quốc đến Ấn Độ để chuẩn bị áp dụng các quy định mới từ Brussels.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với quy định này. Một nhà cung cấp hàng Quảng Châu cho các thương hiệu bán lẻ lớn cho biết: "Điều này có thể gây nhầm lẫn và chậm trễ trong sản xuất. Trong khi, mục tiêu của sản xuất quần áo là cung cấp cho mọi người mặt hàng giá rẻ và nhanh chóng lựa chọn".

Song, với những người trong ngành ủng hộ thì kế hoạch của EC sẽ “san bằng sân chơi” bằng cách chuyển toàn bộ thời trang nhanh sang xu hướng may mặc lâu bền. Bà Pernilla Halldin, người đứng đầu các vấn đề công của tập đoàn H&M cho biết, tất cả các sản phẩm của công ty nên được thiết kế để tái chế vào năm 2025 và hoan nghênh "mức độ chi tiết" của các kế hoạch của EC.

Công nhân may mặc tại một nhà máy ở Savar, Bangladesh. Ảnh: AP

Công nhân may mặc tại một nhà máy ở Savar, Bangladesh. Ảnh: AP

Còn tập đoàn Uniqlo cho biết, họ đã tổng hợp dữ liệu, bao gồm cả về lượng khí thải carbon và khả năng truy xuất nguồn gốc. Nhà sản xuất quần áo phong cách thường ngày của Nhật Bản cũng đang theo dõi đề xuất của EC và có kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp châu Á để thực hiện.

"Là một phần trong nỗ lực cho phép khách hàng yên tâm mua sản phẩm của Uniqlo, chúng tôi cũng đang cố gắng củng cố thông tin về việc bảo vệ quyền con người, cũng như đo lường tác động môi trường đến chuỗi cung ứng", phát ngôn viên tại của Uniqlo cho biết.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghi ngờ về các tiêu chuẩn dệt may của EU. Ông Rahul Mehta, một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành may mặc và là thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Ấn Độ, cho biết: "Chúng tôi phải xem xét quy chế của EU rất kỹ lưỡng, để xem đây có phải là mối quan tâm thực sự đến môi trường, hay nó là một dạng hàng rào thuế quan”.

Ông cũng nói rằng, để tuân thủ theo quy chế mới, "vật liệu dệt may phải được thay thế, quy trình phải được làm lại và các công nghệ mới phải được điều chỉnh".

Tại Việt Nam, nhà xuất khẩu may mặc lớn là thương hiệu quần áo thể thao Decathlon và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khuyến nghị các nhà máy nên thích ứng để đón đầu các quy định của EU. Tuy nhiên, theo thống kê do VTV đưa tin thì hiện chỉ 5% ngành công nghiệp dệt may trong nước đạt được tiêu chí này.

Trong chiến lược mới của EU, tiêu chí tăng độ bền cho các sản phẩm may mặc tại các công ty dệt may cũng bao gồm chính sách hỗ trợ "tái sử dụng, cho thuê và sửa chữa, dịch vụ mua lại và bán lẻ đồ cũ".

Gần đây, các hãng thời trang mới chỉ bắt đầu thử nghiệm một số hoạt động nhằm kéo dài tuổi thọ các sản phẩm. Tại một số cửa hàng H&M, khách hàng có thể mua những chiếc áo khoác cũ để được giảm giá cho lần mua tiếp theo; trong khi hãng Uniqlo cung cấp dịch vụ sửa chữa quần áo tại một số cửa hàng.

Một khu trưng bày tại cửa hàng Uniqlo tại Tokyo mô tả cách quần áo được làm từ chai nhựa tái chế. Ảnh: Nikkei Asia
Một khu trưng bày tại cửa hàng Uniqlo tại Tokyo mô tả cách quần áo được làm từ chai nhựa tái chế. Ảnh: Nikkei Asia

Các chuyên gia nhận định, ngành thời trang nhanh chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Shein - công ty "thời trang nhanh" của Trung Quốc, có thể tung ra thị trường khoảng 7.000 sản phẩm mới/tuần – tương đương với số lượng cả năm của Zara. Nhưng họ cũng đưa ra quan điểm tích cực là tâm thế mua sắm của mọi người đang chuyển dịch.

Trong báo cáo Thời trang thường niên, công ty McKinsey cho biết: "Thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch”, khi nhiều người chấp nhận cách tiếp cận “ít hơn là nhiều hơn”. Đồng thời, kết quả cuộc khảo sát của công ty này cho thấy 65% người tiêu dùng "có kế hoạch mua sắm lâu dài hơn, các mặt hàng chất lượng cao và nhìn chung họ coi "độ mới" là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất khi mua hàng".

Do đó, công ty tư vấn này cảnh báo các nhà sản xuất dệt may “cần phải tách khỏi chiến thuật kinh doanh thành công dựa trên sản lượng tạo ra”, giảm thiểu lượng hàng tồn kho. Louis Vuitton là ví dụ cho một hãng thời trang theo đuổi chiến lược kinh doanh có chọn lọc: sản xuất theo đơn đặt hàng.

Hiện nay, theo Nikkei Asia các doanh nghiệp dệt may trên toàn châu Á, từ Việt Nam đến Ấn Độ, đều nhận thức rằng để có thêm nhiều lợi nhuận trên thị trường, họ sẽ phải tạo ra cuộc cải tổ ngành dệt may và áp dụng các tiêu chuẩn của EU. "Đó là cách thế giới đang chuyển động, cho dù chúng ta muốn hay không. Và tôi cho rằng, nếu chúng ta phải tiếp tục tham gia thị trường, chúng ta phải làm theo nhu cầu của người mua", ông Rahul Mehta nói.

Đọc tiếp