Ngành dệt may, da giày không được tăng giờ làm thêm quá 300 giờ/năm

việc làm Việt nAM
10:14 - 29/04/2022
Gia công sản xuất là một trong những ngành nghề được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Gia công sản xuất là một trong những ngành nghề được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về tăng giờ làm thêm trong bối cảnh phục hồi kinh tế xã hội, trong đó nêu rõ một số ngành nghề cụ thể như gia công sản xuất bao gồm dệt may và da giày.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu có hiệu lực từ 1/4/2022.

Văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 17 nói trên của Bộ LĐTB&XH đề nghị Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết trên địa bàn quản lý.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH lưu ý các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Nội dung quy định rõ, người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm đối với một số ngành nghề, công việc hoặc các trường hợp. Trong số này có ngành sản xuất, gia công sản xuất sản phẩm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến nông lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước...

Đồng thời, tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.

Khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết, người sử dụng lao động vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày, tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm).

Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ - 300 giờ trong 1 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở LĐTB&XH và có văn bản chuyên môn gửi về UBND tỉnh theo quy định.

Nghị quyết cũng quy định rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Các quy định của Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp