Ngành dệt may lo ngại về giá nguyên vật liệu tăng do lạm phát

Dệt May Việt nAM
07:16 - 01/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
SSI cho rằng, giá sợi nhập khẩu, giá bông, sợi polyester đang tăng cao kéo theo doanh thu và biên lợi nhuận các doanh nghiệp ngành dệt may có thể bị ảnh hưởng xấu, đặc biệt là khi áp lực lạm phát cao hơn đang diễn ra.

Báo cáo cập nhật liên quan đến ngành dệt may của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây cho biết, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.

Tuy nhiên, 5 tháng qua, giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Dữ liệu của Sunsirs cập nhật về giá sợi polyester và sợi bông cho thấy, hai sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc đều tăng từ 10% đến 18%, điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (free on board - chủ động từ nguyên liệu cho đến thành phẩm) như May Sông Hồng (HoSE: MSH) và Dệt may Thành Công (HoSE: TCM).

"Dự báo, doanh thu và biên lợi nhuận các doanh nghiệp ngành dệt may có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023", theo SSI Research.

Cũng theo các chuyên gia của SSI Research, ước tính tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.

"Toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistic và nhân công tiếp tục neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước dự báo sẽ tiếp tục bị thu hẹp", chuyên gia của SSI Research, dự báo.

Trước những thách thức về chi phí, giá cả nguyên vật liệu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, vẫn có cơ hội cho dệt may Việt Nam thay đổi tình hình. Đồng thời, Vitas cũng đưa ra kiến nghị đối với ngành sợi, theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, chọn thời điểm mua phù hợp và mua theo từng lô nhỏ để trung hòa giá bông và tránh rủi ro. Ngoài ra, cần chuyển đổi mặt hàng, tăng cường các mặt hàng sợi pha nhằm giảm sử dụng bông - một nguyên liệu có chi phí cao.

Tăng cường tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tồn kho sợi, bông tại thị trường này hiện đang cao. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, liên kết chuỗi sản xuất sợi – dệt – nhuộm để đưa sợi thành phẩm vào chuỗi sản xuất dệt nhuộm của các đơn vị trong tập đoàn nhằm san sẻ bớt rủi ro nếu có.

Đối với ngành may, ưu tiên các biện pháp giữ ổn định lao động, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng và mở rộng thị trường để bù lại sự sụt giảm từ thị trường Mỹ. Xem xét, điều phối hoặc cắt giảm thời gian sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động trong thời gian chờ tìm kiếm các đơn hàng mới. Tích cực đàm phán với khách hàng tránh tình trạng hoãn, lùi đơn hàng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.