Ngành giao thông vận tải sẽ có cơ sở dữ liệu chung trước quý 1/2023

Chính phủ số Việt nAM
15:18 - 12/11/2021
Bộ GTVT tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến
Bộ GTVT tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến
0:00 / 0:00
0:00
Chậm nhất vào quý 1/2023, cơ sở dữ liệu chung toàn ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thiện và Việt Nam cũng đang triển khai hệ thống điều hành giao thông thông minh.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN lần thứ 27 (ATM 27) được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 11-12/11, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến mới về chuyển đổi số của ASEAN nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới vận tải thông suốt, hiệu quả hơn nữa, mang tính bền vững, và thích ứng cao. Qua đó, thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Tuấn, từ tháng 12/2020, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, về phát triển chính phủ số, Việt Nam tập trung hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu chung toàn ngành.

Cụ thể, gồm cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, người điều khiển phương tiện, phương tiện và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Các nền tảng cơ sở dữ liệu này dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành muộn nhất vào quý 1/2023.

Với phát triển kinh tế số, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay, Việt Nam tập trung triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến đường bộ cao tốc.

“Tại Việt Nam, giao thông vận tải là một trong 8 lĩnh vực Chính phủ xác định ưu tiên phát triển chuyển đổi số. Chuyển đổi số ngành giao thông vận tải của Việt Nam tập trung vào hai nội dung chính là phát triển chính phủ số và phát triển kinh tế số”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho hay.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tham gia hội nghị ATM 27

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tham gia hội nghị ATM 27

Hiện Bộ GTVT cũng đang hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh tại các thành phố lớn. Cùng đó, triển khai đồng bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

“Với các nỗ lực của tất cả các nước thành viên, ASEAN sẽ sớm ghi nhận các tiến bộ lớn trong chuyển đổi số các dịch vụ giao thông vận tải, giúp giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho chuỗi cung ứng thông suốt, phục vụ nhu cầu giao thương sau đại dịch giữa các nước trong khối và các đối tác”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kỳ vọng.

Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng thông qua Tuyên bố chung của ATM 27, trong đó tái khẳng định các cam kết phục hồi sau Covid-19, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN, xây dựng thị trường vận tải hàng không chung ASEAN, đẩy mạnh mạng lưới giao thông đường bộ ASEAN và tạo thuận lợi vận tải hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh đó là kết hợp giao thông bền vững và quy hoạch sử dụng đất đai, hướng tới kết nối vận tải hàng hải mạnh mẽ hơn.

Trong hai ngày 11-12/11, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN lần thứ 27 (ATM 27) được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Bộ trưởng Giao thông công chính Campuchia Sun Chanthol chủ trì. Hội nghị được nhóm họp trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang triển khai nhiều giải pháp chống dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy sự hội nhập của cộng đồng ASEAN trong bình thường mới, vì một khu vực ASEAN bền vững, cạnh tranh.

Phát biểu tại phiên khai mạc ngày hôm qua (11/11), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị tập trung tăng cường kết nối khu vực để tăng cường tiềm năng của thị trường ASEAN và khả năng phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời nhấn mạnh việc vận chuyển xuyên biên giới thông suốt giữa các quốc gia thành viên ASEAN sẽ góp phần tăng cường chuỗi sản xuất khu vực mạnh và bền vững.

Tại phiên toàn thể sáng nay, các Bộ trưởng cũng thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 27. Theo đó, hội nghị tái khẳng định các cam kết phục hồi sau Covid-19; Thống nhất thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN; Thúc đẩy thị trường vận tải hàng không chung ASEAN; Thúc đẩy mạng lưới giao thông đường bộ ASEAN và tạo thuận lợi vận tải hàng hóa qua biên giới; Kết hợp giao thông bền vững và quy hoạch sử dụng đất đai; Hướng tới kết nối vận tải hàng hải mạnh mẽ hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.