Ngành nông nghiệp vận dụng ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’ để xuất khẩu 50 tỷ USD

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
20:44 - 03/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến để ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua những thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD năm 2022 bằng cách liên tục mở rộng thị trường và linh hoạt chuyển đổi sản phẩm xuất khẩu theo bối cảnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp báo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chiều 3/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 9 tháng năm 2022, mặc dù thực hiện kế hoạch trong điều kiện gặp nhiều thách thức, nhưng ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt.

“Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khái quát.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.

Về một số chỉ tiêu chính sau 9 tháng, trồng trọt có diện tích, năng suất, sản lượng gieo cấy lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Chăn nuôi có sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33%. Đàn lợn ước tăng 8,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%.

Về lâm nghiệp trồng rừng đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 13,7 triệu m khối, tăng 6,18%; sản lượng củi 13,9 triệu ste, tăng 0,36%.

Thủy sản có giá trị sản xuất tăng khoảng 4,43%, trong đó tổng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng đạt khoảng 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6%.

Xuất khẩu đạt gần 40,8 tỷ USD

Báo cáo của thường kỳ của Bộ NN&PTNT cũng cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đã đạt con số vững chắc khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu đạt gần 40,8 tỷ USD (bằng 81,6% kế hoạch đề ra), tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thủy sản là ngành hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất, khoảng 38% và đạt tổng giá trị 8,5 tỷ USD. Nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%. Lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%. Riêng sản phẩm chăn nuôi giảm 18,4%.

Tính đến ngày công bố báo cáo, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng tăng mạnh như cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,8%; gạo trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỷ USD, tăng 21,0%; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%.

Thị trường tiêu thụ trong 9 tháng qua tiếp tục mở rộng. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với trên 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần. Xếp vị trí thứ hai là Trung Quốc với khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2%. Thị trường Nhật Bản đứng thứ ba với trên 3,1 tỷ USD, chiếm 7,6%.

Chuyển đổi mặt hàng xuất khẩu đảm bảo mục tiêu xuất khẩu

Trước những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao như: tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 50 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tiến cũng lưu ý, ngành nông nghiệp trong 9 tháng qua đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phân tích bối cảnh quốc tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đồng USD tăng cao sẽ tạo thêm lợi thế để Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng kéo theo giá nông sản tăng thì thị phần xuất khẩu khẩu sẽ giảm. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đơn hàng đã giảm sâu đến 60%.

“Trong bối cảnh đó, ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’, ngành nông nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm thông qua tiếp tục khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quy tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" này đã được áp dụng trong thực tiễn một loạt các ngành hàng. Cụ thể trong ngành gỗ, khi thị trường giảm nhu cầu gỗ, đồ nội thất, Việt Nam đã chuyển qua xuất khẩu viên nén để thu về bù vào phần giảm.

Thủy sản đang tiếp tục xúc tiến vào thị trường Anh vốn đang cần xây dựng lại hệ thống chuỗi cung ứng sau khi rời EU. Đây chính là cơ hội lớn, nhất là khi Việt Nam là đối tác quan trọng với Anh trong ASEAN.

“Như vậy, bên cạnh những ngành hàng giảm thì cũng có những ngành hàng tăng. Việc phải làm là xem cái nào khó khăn thì tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề chế biến sâu. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu đầy đủ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu vấn đề.

Nhấn mạnh thêm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Làm sao để chủ động nguyên liệu, chủ động chế biến và chủ động thị trường. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, phải dùng hết trách nhiệm để ổn định thị trường, đáp ứng mục tiêu xuất khẩu đề ra của Chính phủ”.

Các chỉ tiêu chính cả năm 2022 của ngành nông nghiệp:

(1) Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành: 2,8 - 3,0% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%).

(2) Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản: Khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD).

(3) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 75% (Chính phủ giao 73%), có trên 240 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị).

(4) Tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng.

(5) Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 92,5%.

(6) Có trên 77% xã đạt tiêu chí môi trường nông thôn mới (Chính phủ giao 77%).

Tin liên quan

Đọc tiếp