Nghịch lý trong mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp đầu ra

HTX DOANH NGHIỆP
01:00 - 28/11/2021
Hỗ trợ kết nối hợp tác xã-doanh nghiệp để giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm
Hỗ trợ kết nối hợp tác xã-doanh nghiệp để giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm
0:00 / 0:00
0:00
HTX cần thực hiện minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, tăng tính cam kết về chất lượng để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể quay trở lại đầu tư vốn và công nghệ cho HTX.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định, hợp tác xã nông nghiệp - khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp nên thay đổi tư duy để tồn tại trong tình hình mới, không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại.

Phát biểu tại diễn đàn "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới" sáng 27/11, ông Thịnh cho rằng, khâu mà các hợp tác xã (HTX) nên làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào và đảm bảo minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Trong chuỗi liên kết, các doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Những nghịch lý của mối quan hệ

Tuy nhiên, đối với sản xuất nông nghiệp luôn tồn tại một nghịch lý về giá. Theo các chia sẻ từ diễn đàn, khi bà con nông dân và các HTX nông nghiệp thực hiện các giao kết với doanh nghiệp về chất lượng và tiêu thụ sản phẩm, họ bắt buộc phải tăng chất lượng nông sản, tuân thủ quy trình an toàn, nhưng đôi khi sản phẩm đầu ra phải bán tương tự giá mặt hàng trôi nổi trên thị trường.

“Tôi nghe nhiều doanh nghiệp nói mua cao hơn (thị trường) 10-15%, đấy là đáng quý, song chưa chắc đủ lợi nhuận hay thậm chí là chi phí đầu vào. Nhiều HTX nói họ đành chấp nhận để lấy uy tín, hình ảnh. Nếu như thế thì khó duy trì chuỗi giá trị. Điều này cho thấy HTX và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài”, ông Thịnh nói.

Nghịch lý thứ hai là vốn và công nghệ, ông Thịnh nói: “Một trong những vấn đề chúng tôi nhận được nhiều phản ánh nhất là các HTX nông nghiệp không đủ vốn, không đủ công nghệ. Cần xác định HTX là nguồn cung cấp nguyên liệu, không có HTX thì doanh nghiệp cũng không hoạt động được. HTX có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc và chia sẻ về vốn," ông Thịnh nói.


Ảnh tác giảTôi cho rằng HTX và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài. Một trong những vấn đề chúng tôi nhận được nhiều nhất là vấn đề các HTX nông nghiệp kêu không đủ vốn, không đủ công nghệ. Cần xác định HTX là nguồn cung cấp nguyên liệu, không có HTX thì doanh nghiệp không hoạt động được. HTX có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc và chia sẻ về vốn”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn

Minh bạch nguồn gốc nông sản

Đưa ra giải pháp gắn kết HTX với doanh nghiệp chặt chẽ hơn, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, HTX cần thực hiện minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể quay trở lại đầu tư vốn, công nghệ cho HTX.

Ông Vinh phân tích, để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua các chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn sản xuất...

"Suy cho cùng, khi sản phẩm tốt có được uy tín trên thị trường thì cả HTX và doanh nghiệp đều sẽ được hưởng lợi", ông Vinh nói.

"Mối quan hệ của các HTX với doanh nghiệp hiện nay khá lỏng lẻo, chưa có hệ sinh thái để liên kết, hỗ trợ giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ. Kể cả khi có hợp đồng thì độ tin cậy cũng chưa cao, người sản xuất làm gì, canh tác ra sao, doanh nghiệp không thể nắm được. Khi thu hoạch sản phẩm có những HTX không bán cho doanh nghiệp trong hợp đồng đã ký mà bán cho một bên khác với giá cao hơn," ông Vinh nói.

Khẳng định để tồn tại, phát triển trong tình hình mới, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh đề nghị các HTX cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra.

"Cần tăng tính cam kết về chất lượng sản phẩm, tính chia sẻ giữa HTX và các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ…”, ông Thịnh nói.

Liên quan đến câu chuyện HTX cần có liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh chia sẻ với MEKONG ASEAN.

Ảnh tác giả

“Mối quan hệ của các HTX với doanh nghiệp hiện nay khá lỏng lẻo, chưa có hệ sinh thái để liên kết, hỗ trợ giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ. Kể cả khi có hợp đồng thì độ tin cậy cũng chưa cao, người sản xuất làm gì, canh tác ra sao, doanh nghiệp không thể nắm được. Khi thu hoạch sản phẩm, có những HTX không bán cho doanh nghiệp trong hợp đồng đã ký mà bán cho một bên khác với giá cao hơn”.

Ông Mai Quang Vinh, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam

"Doanh nghiệp khi không quản lý được chất lượng hàng hóa nhập từ các HTX sẽ gặp rủi ro rất lớn. Ví dụ gần đây có nhiều lô hàng nông sản như chôm chôm, thanh long, lúa gạo xuất sang thị trường EU bị trả lại vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn, dẫn đến nhiều thiệt hại trút lên doanh nghiệp", ông Mai Quang Vinh tâm tư.

Hệ quả là độ tin tưởng của thị trường không cao sẽ là nguyên nhân khiến các HTX không thể ổn định tiêu thụ sản phẩm và phải chịu giá thấp. Hiện nay, theo tính toán trung bình, giá nông sản Việt Nam chỉ bằng 50 – 60% giá nông sản thế giới.

Nói về giải pháp khắc phục thiệt hại cho cả HTX và doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng: “Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa quy trình sản xuất, tăng cường sự hợp tác của HTX và doanh nghiệp trong nhiều mặt, đặc biệt là vốn và công nghệ. Mục đích cuối cùng là minh bạch nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm".

Đẩy mạnh minh bạch nguồn gốc sản phẩm cũng là chia sẻ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội). Đại diện HTX Chúc Sơn cho biết, HTX đã ứng dụng công nghệ eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống.

“Việc ứng dụng hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa HTX với các siêu thị, các doanh nghiệp tiêu thụ và giúp cho nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng”, đại diện HTX Chúc Sơn cho biết.

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện có 18.000 hợp tác xã (HTX) trên cả nước. Trong số đó, HTX nhiều nhất có 200 thành viên, hơn ½ HTX chỉ có dưới 30 thành viên.

Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất kinh doanh. Các HTX cũng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, sự gắn kết giữa HTX với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Tin liên quan

Đọc tiếp