Ngoại giao đóng góp tích cực cho vị thế của đất nước trên trường quốc tế

Ngoại Giao QUỐC HỘI
17:01 - 13/03/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, ngoại giao đóng góp rất tích cực để đất nước có được cơ đồ, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày nay. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, ngoại giao đóng góp rất tích cực để đất nước có được cơ đồ, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày nay. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 13/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023 - 2026, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao trong phát triển đất nước.

Nhiệm vụ, vai trò của công tác ngoại giao trong tình hình mới

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ngoại giao đóng góp rất tích cực để đất nước có được cơ đồ, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày nay. Đồng thời, vị thế, vai trò, uy tín của đất nước hiện nay cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công tác ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sức mạnh tổng hợp hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là bảo bối giúp nâng tầm ngoại giao để đóng góp tích cực hơn vào việc nâng cao hơn nữa uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần quán triệt và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021), Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước. Đối ngoại Quốc hội kết nối nguyện vọng của nhân dân ta với nhân dân các nước, kết nối chính sách và tầm nhìn phát triển của Việt Nam với các đối tác.

Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại, trong đó có đối ngoại Quốc hội; cần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp nước sở tại để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các nghị sĩ của nước sở tại.

Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, trong đó có các diễn đàn liên nghị viện, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài góp phần tích cực vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa”. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng, được thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng cũng phải giữ vững nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng cũng phải giữ vững nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn

Củng cố, xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước đối tác

Đối với các địa bàn châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Chủ tịch Quốc hội mong muốn Trưởng các Cơ quan đại diện phối hợp, thúc đẩy để các nước còn lại trong khu vực châu Âu phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tại các địa bàn châu Phi, châu Mỹ và khu vực Nam Á, Nam Phi, Trưởng các Cơ quan đại diện ngoại giao cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản.

Tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới, tận dụng thế mạnh của Việt Nam trong hợp tác về nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hạt điều từ các nước châu Phi.

Đồng thời, không ngừng củng cố, xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác để làm cơ sở vận động sự ủng hộ của các nước bạn đối với lợi ích của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.

Tại các địa bàn Đông Nam Á như Malaysia, Brunei..., là những nước láng giềng gần gũi, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần duy trì quan hệ đoàn kết gắn bó, song phương và trong khuôn khổ ASEAN, tăng cường tham vấn phối hợp về những vấn đề chung có tác động đến lợi ích an ninh sát sườn của Việt Nam và của khu vực, trong đó có các vấn đề trên biển; cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển.

Nhấn mạnh lại một lần nữa, ngoại giao chính là cuộc sống và dựa trên các nguyên tắc chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng cũng phải giữ vững nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tự tin, kiên định với tiền đồ của đất nước mình nhưng cũng phải tranh thủ hết sức sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế; đồng thời thông tin, cập nhật đầy đủ tình hình phát triển của đất nước để thông báo với nước sở tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp