Người Malaysia thắt chặt chi tiêu trước Tết Nguyên đán 2023 do lạm phát

LẠM PHÁT MALAYSIA
17:46 - 15/01/2023
Khách hàng mua đồ trang trí Tết Nguyên đán tại một cửa hàng ở khu China Town, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: CNA
Khách hàng mua đồ trang trí Tết Nguyên đán tại một cửa hàng ở khu China Town, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: CNA
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và tỷ giá đồng Ringgit giảm sút, người dân Malaysia được cho là sẽ chi tiêu tiết kiệm trong Tết Nguyên đán năm nay - dịp Tết đầu tiên không còn các hạn chế Covid-19. 

Theo CNA, chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán – thời điểm mọi người có thể nghe thấy những bài hát lễ hội vang lên ở khu China Town ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Để chuẩn bị cho năm mới, các khách hàng tại cửa hàng iDecor Home ở Phố Petaling tranh thủ chọn đèn lồng, hoa nhựa, nhãn dán thư pháp Trung Quốc và đồ trang trí theo chủ đề con thỏ cùng nhiều thứ khác.

Một nhân viên cho biết, giá của hầu hết các đồ trang trí tại cửa hàng đã tăng từ 10 - 20% trong năm qua. "Mọi người vẫn sẽ mua đồ trang trí nhưng có thể sẽ không mua nhiều như trước. Các khách hàng của chúng tôi hiểu lý do tại sao giá cả tăng cao. Đây không phải là điều chỉ phải đối mặt tại Malaysia", cô nói.

Một gian hàng bán bánh quy ở phố Petaling, Kuala Lumpur trước thềm Tết Nguyên Đán 2023. Ảnh: CNA
Một gian hàng bán bánh quy ở phố Petaling, Kuala Lumpur trước thềm Tết Nguyên Đán 2023. Ảnh: CNA

Mặc dù doanh số bán hàng tăng trước mùa lễ, nhưng các doanh nghiệp nhận thức được rằng lạm phát và chi phí cao hơn sẽ khiến người tiêu dùng chi tiêu không mạnh tay trong năm nay.

"Nếu như trước đây họ sẽ mua đồ để trang trí toàn bộ ngôi nhà, trang trí từng phòng, thì bây giờ họ sẽ chỉ tập trung vào phòng khách", nhân viên iDecor nói thêm.

Theo Cục Thống kê Malaysia (DOSM), chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 11/2022 đã tăng 4% so với năm 2021. Một báo cáo của DOSM công bố vào ngày 23/12/2022, cho thấy lạm phát lương thực tăng 7,3% và đây vẫn là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát chung trong tháng 11.

Thắt chặt chi tiêu khi giá cả tăng cao

Ông Ding Hong Sing, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Malaysia, cho biết, giá hàng hóa trong nước cao hơn sau khi áp dụng mức lương tối thiểu mới là 1500 RM (346 USD)/tháng, cùng với hiệu suất yếu của đồng Ringgit.

"Mọi người vẫn tổ chức ăn mừng năm mới, nhưng có lẽ họ sẽ chi tiêu ít hơn so với trước đây. Khi nền kinh tế khả quan, mọi người mới tiêu tiền. Ngày này, mọi người đều có xu hướng hỏi giá cả mọi thứ trước khi mua chúng", ông nói.

Bà Chin Nyuk Moy, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán buôn trái cây Kuala Lumpur, cũng đồng quan điểm. Bà nói rằng hầu hết các nhà bán buôn đã giảm nhập khẩu cam từ Trung Quốc trong năm nay vì họ không muốn gặp rủi ro về việc tích trữ hàng quá nhiều.

Bà Moy cho biết, chi phí bán buôn một hộp 24 quả quýt loại một là 28 RM (6,46 USD) trong năm nay. Mức giá này cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái. Hầu hết cam được nhập khẩu từ Hạ Môn và Vĩnh Xuân ở Trung Quốc.

"Đây là mặt hàng dễ hỏng, không để được lâu. Nếu chúng tôi không bán hết thì chỉ có thể loại bỏ chúng và mất tiền", bà Chin cho biết, đồng thời nói thêm rằng mọi người có xu hướng mua cam vào ngày cuối cùng của năm cũ.

Mọi thứ đều tăng giá

Ngoài đồ trang trí nhà cửa, người tiêu dùng năm nay sẽ cần phải trả nhiều tiền hơn cho những món quà.

Cô Rachel Koh, chủ cửa hàng bánh ngọt Happy Meal đã hoạt động 18 năm ở Khu phố Tàu, cho biết họ đã tăng giá bánh quy khoảng 10% trong năm nay để bù đắp chi phí các nguyên liệu như bơ, bột và nhân tăng cao. Các loại bánh quy vị đậu phộng, óc chó, bơ hạnh nhân và dứa, được bày bán với giá khoảng 20 RM (4,61 USD)/hộp.

Cô Rachel Koh, chủ cửa hàng bánh ngọt Happy Meal ở khu phố Tàu, Kuala Lumpur. Ảnh: CNA
Cô Rachel Koh, chủ cửa hàng bánh ngọt Happy Meal ở khu phố Tàu, Kuala Lumpur. Ảnh: CNA

"Chúng tôi phải tăng giá để bù lạm phát, nhưng không tăng quá nhiều. Năm nay, chúng tôi nhập ít hàng hơn vì sợ không bán hết", bà nói và cho biết thêm rằng họ đã giảm giá cho những khách hàng thân quen.

Trong khi đó, cô Lana Ng, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại cửa hàng thực phẩm Chai Huat Hin cho biết, giá các mặt hàng phổ biến trong dịp Tết như xúc xích Hong Kong, hải sâm, sò điệp và bào ngư đã tăng tới 30%.

"Năm nay nguồn cung ít hơn và đồng tiền của chúng tôi đã giảm giá trị so với đồng USD. Chúng tôi phải đặt mua những thứ này khi đồng tiền yếu hơn nhiều so với hiện tại", cô Lana Ng nói.

Khách hàng mua thực phẩm tại cửa hàng Chai Huat Hin ở khu phố Tàu, Kuala Lumpur. Ảnh: CNA

Khách hàng mua thực phẩm tại cửa hàng Chai Huat Hin ở khu phố Tàu, Kuala Lumpur. Ảnh: CNA

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Malaysia vẫn hy vọng vào doanh số năm nay. Ông Raymond Khue, Giám đốc điều hành công ty thực phẩm Oloiya - chuyên bán các sản phẩm thịt khô, cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán doanh số bán hàng cho Tết Nguyên đán.

Ông cho hay, doanh số bán hàng năm ngoái rất tốt vì người Malaysia không thể đi du lịch nước ngoài. Năm ngoái, công ty đã tăng giá thịt lợn và thịt gà bak kwa (thịt khô) từ 120 RM (27,6 USD)/kg lên 122 RM (28,1 USD)/kg. Tuy nhiên, công ty này chưa thông báo tăng giá trong năm nay.

"Chúng tôi chưa thể nói trước điều gì về những con số. Mọi người vẫn sẽ mua, nhưng có thể ít hơn so với năm ngoái”, ông nói.

Mỗi năm chỉ có một lần

Cuối tuần sau sẽ là thời điểm để tất cả mọi người ăn mừng năm mới. Một số người nói rằng họ sẽ không tiết kiệm trong dịp này, vì đây là Tết Nguyên đán đầu tiên không còn các biện pháp hạn chế Covid-19 kể từ năm 2020.

Cô Lai Mey Chin, 39 tuổi, cho biết cô sẽ mua sắm ít hơn trong dịp Tết Nguyên đán này. Nguyên nhân là do gia đình cô sẽ từ Kuala Lumpur về quê ngoại ở Perak để ăn Tết. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của gia đình cô kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Cô Lai cho biết vì họ sẽ không ở nhà trong tuần đầu tiên của năm mới nên những thứ như bánh quy, đồ ăn nhẹ và đồ uống sẽ được mua với số lượng vừa phải.

Nhưng mặc dù giá cả của mọi thứ tăng cao hơn, nhưng cô cho biết vẫn sẽ sử dụng nguyên liệu tươi và ngon cho bữa tối đoàn tụ. "Chúng tôi vẫn sẽ chi tiêu đầy đủ cho ngày đoàn tụ. Đây là dịp mỗi năm chỉ có một lần. Bạn không thể mua đồ quá tiết kiệm”, cô nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp