Nguồn cung xăng dầu có thể vượt xa nhu cầu trong quý II/2022

Tổng quan Việt nAM
18:10 - 04/05/2022
Nguồn cung xăng dầu có thể vượt xa nhu cầu trong quý II/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường hàng hóa đều tăng trưởng tốt. Với mặt hàng xăng dầu, dự báo trong quý II/2022 nhu cầu của Việt Nam sẽ đạt 5,2 triệu m3 , trong khi đó nguồn cung đạt gần 6,7 triệu m3.

Trong tháng 4/2022, kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trước tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Tại Việt Nam, 4 tháng đầu năm nền kinh tế dần hồi phục nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, các doanh nghiệp sản xuất cần nhiều lao động trở lại hoạt động bình thường. Các chính sách cũng đóng góp quan trọng vào sự phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như vấn đề logistics còn tăng cao, giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; chính sách “Zereo Covid” của Trung Quốc cũng tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm đều khôi phục

Tiếp nối đà tăng của tháng trước, tháng 4/2022 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở mức 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, so với tháng 3/2022, IIP của tháng 4 chỉ tăng nhẹ 2%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4/2022, chỉ số sản xuất một số ngành trọng điểm cấp II như thép, ô tô… ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, một số ngành khác như tivi, xăng dầu…. lại giảm.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm được khôi phục hầu hết ở các ngành. Nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chiếm tới 89% tổng kim ngạch

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng trưởng tốt.

Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Riêng mặt hàng thủy sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước. Tôm và cá tra tiếp tục là hai mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất do nhu cầu từ các thị trường lớn đang phục hồi. Đặc biệt trong bối cảnh cá minh thái của Nga đã chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây thì cá tra Việt có thể thay thế nguồn cung khổng lồ này.

Về nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tới 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản là nhóm hàng có đà tăng cao nhất. Trong đó, xăng dầu, than đá và quặng tăng cao cả về lượng và trị giá.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí đầu với với 35,6 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ hai ước đạt 19 tỷ USD; tiếp theo là EU ước đạt 15,5 tỷ USD…

Nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, khí đốt; các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất như than, gỗ, phân bón… tiếp tục tăng cao. Một số mặt hàng chạm mốc kỷ lục dẫn đến kim ngạch nhập khẩu tăng cao, nâng tổng nhập khẩu hàng hóa chung tăng.

Cụ thể, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất (nhóm cần nhập khẩu) ước đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu lại ghi nhận đà giảm, khoảng 4,9%, đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 23,3 tỷ USD; ASEAN đạt 16.4 tỷ USD…

Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 30,9 tỷ USD; EU ước đạt 10,4 tỷ USD. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 18 tỷ USD; Hàn Quốc ước đạt 15,2 tỷ USD; ASEAN ước đạt 5,8 tỷ USD…

Lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng khả quan

Trong tháng 4/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 đạt 1.777 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động bất thường. Các dịp nghỉ lễ đã kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, dù không có biến động lớn về cung cầu nhưng giá các mặt hàng nhiên liệu (xăng dầu, phân bón…) vẫn tiếp tục tăng cao do giá trên thị trường thế giới có sự biến động.

Đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu trước biến động của thế giới

Thị trường xăng dầu tiếp tục biến động trước cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Các nước cung ứng dầu mỏ chưa khôi phục lại khiến nguồn cung dầu toàn cầu hiện vẫn thấp hơn nhu cầu của thị trường.

Sau khi tăng trên mức 120 USD/thùng vào cuối tháng 3, đến nửa đầu tháng 4/2022 giá dầu đã giảm dần, xuống mức 100 USD/thùng.

Ảnh hưởng nguồn cung của thế giới đã tác động trực tiếp đến giá mặt hàng xăng dầu của Việt Nam trong quý I/2022. Mặt khác, nguồn cung xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (chiếm 35 – 40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất, đỉnh điểm có tháng giảm xuống mức 55%.

Trước tình hình trên, phía Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh tăng cường nhập khẩu, đồng thời phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu nhằm ổn định nguồn cung.

Dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 đạt mức 5,2 triệu m3, trong khi nguồn cung dự kiến đạt 6,7 triệu m3, cao hơn đáng kể so với nhu cầu nên được dự báo sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm. Tổng nhu cầu xăng dầu cho cả nước trong năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3.

Về nguồn cung trong nước, Bộ Công thương cho biết theo báo cáo của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), hiện đơn vị này đã làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).

Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II là 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3 (sản lượng này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP).

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định hơn, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN khẩn trương làm việc, đàm phán với các bên có liên quan để sớm tự giải quyết dứt điểm các vấn đề nội tại trong liên doanh tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.