Nguy cơ hạ cánh mềm bị 'tạt gáo nước lạnh', Fed sẽ mạnh tay hơn với lãi suất

KINH TẾ MỸ
12:12 - 14/09/2022
Nguy cơ hạ cánh mềm bị 'tạt gáo nước lạnh', Fed sẽ mạnh tay hơn với lãi suất
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chỉ số CPI tháng 8 được công bố, giới chuyên gia nhận định Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động quyết liệt hơn nhằm điều chỉnh áp lực giá. Trong đó, không loại trừ khả năng Fed có thể sẽ nâng lãi suất ở mức cao hơn dự tính là 0,75 điểm %.

Niềm hy vọng Fed có thể đưa nền kinh tế nước này hạ cánh mềm đã bị "tạt một gáo nước lạnh" vào tối ngày 13/9, khi thống kê cho thấy lạm phát "nóng" hơn dự báo. Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của nước này tăng 0,1% so với tháng 7, thay vì giảm 0,1% như dự báo trước đó của giới phân tích.

Điều đáng lo ngại nhất đối với các nhà hoạch định chính sách là lạm phát lõi, thước đo không bao gồm những mặt hàng có mức độ biến động lớn như năng lượng và thực phẩm, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, lạm phát lõi tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của nước này tăng 0,1% so với tháng 7, thay vì giảm 0,1% như dự báo trước đó của giới phân tích.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của nước này tăng 0,1% so với tháng 7, thay vì giảm 0,1% như dự báo trước đó của giới phân tích.

Sự gia tăng của lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt của người Mỹ cao đến mức khó tin. Áp lực giá cả vẫn tăng cao và lan rộng ở quy mô lịch sử, điều này cho thấy mục tiêu lạm phát của Fed vẫn còn một con đường dài mới có thể đạt được.

Chi tiêu của người tiêu dùng tuy đã chậm lại nhưng chắc chắn là chưa giảm mạnh. Song, Fed đang phải cáng đáng nhiệm vụ khó hơn nhiều so với suy nghĩ trước đó. Nếu người Mỹ không thắt chặt chi tiêu hơn nữa, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ càng phải quyết liệt nhằm hạ bớt năng lượng của nền kinh tế hòng kéo lạm phát xuống.

Không có lựa chọn khác ngoài tăng lãi suất

Trang tài chính của CNN cho rằng Fed đang gặp rắc rối lớn. Họ quyết định chính sách tiền tệ không dựa vào lạm phát toàn phần, mà là lạm phát cơ bản. Tuy nhiên ngay cả lạm phát cơ bản, vốn không tính giá xăng dầu, thực phẩm cũng đang tăng 6,3%. Đây là mức rất cao so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, dù nhìn vào lạm phát nào, Fed cũng không có lựa chọn khác ngoài tăng lãi suất liên tiếp trong thời gian tới.

Tương tự, Marketwatch cho rằng Fed không thể dừng tăng lãi suất, thậm chí nếu kinh tế có suy thoái. Bài báo trích lời Cựu Chủ tịch Fed ở Richmond Jeffrey Lacker rằng nếu Fed không tăng nữa thì giống như "xe đang lao dốc đã bỏ chân ra khỏi phanh, chưa biết chuyện gì xảy ra ở dưới chân dốc".

Vì vậy ông này dự đoán, Fed cần nâng lãi suất lên cao hơn mức "lạm phát kỳ vọng". Điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất chỉ có thể dừng khi đạt mức quanh 6%. Đó chính là điểm gặp mà chúng ta có thể nghĩ tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tháng trước cũng đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ghìm cương lạm phát kể từ hội nghị Jackson Hole. Ông báo hiệu rằng nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì chúng ở mức cao trong một khoảng thời gian. Một số đồng nghiệp của ông Powell cũng ủng hộ tăng lãi suất cho đến khi nhu cầu bị kiềm chế rõ rệt hơn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tháng trước cũng đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ghìm cương lạm phát kể từ hội nghị Jackson Hole.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tháng trước cũng đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ghìm cương lạm phát kể từ hội nghị Jackson Hole.

Fed có thể mạnh tay tăng lãi suất 1 điểm %

Vào thời điểm thứ sáu tuần trước, các nhà giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ đặt cược khả năng 90% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20-21/9.

Tuy nhiên, ngay sau khi số liệu lạm phát được công bố, theo CNBC, với tình hình này, thị trường đang cho rằng Fed thậm chí có thể sẽ nâng lãi suất ở mức cao hơn dự tính là 0,75 điểm %. Có tới 16% các nhà đầu tư đang đặt cược là FED sẽ tăng mạnh 1 điểm % vào ngày 21/9 tới.

Tương tự, trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura cũng thay đổi dự báo tăng 0,75 điểm % lên 1 điểm %, kèm theo nhận định: "Một lộ trình tăng lãi suất mạnh là cần thiết để đối phó với lạm phát cứng đầu hiện nay".

Trong đó, có 2 lý do buộc Fed phải làm vậy. Một là Fed đã tăng lãi suất mạnh, nhưng lạm phát không hạ nhiệt được mấy. Hai là kinh tế Mỹ cũng "cứng đầu" không kém so với lạm phát. Dù lãi suất cao nhưng tăng trưởng việc làm vẫn tốt, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp lịch sử, lương tăng… Vì vậy tăng tiếp không phải là nguy cơ với nền kinh tế.

Ngược lại, tờ The Guardian của Anh cho rằng, Fed nên cân nhắc dừng chương trình tăng lãi suất lại và nên có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với nền kinh tế. Tờ báo này cho rằng chính sách tăng lãi suất liên tiếp của Fed đang có tác động tiêu cực lên thị trường, điển hình như làm chậm lại lĩnh vực bất động sản, thậm chí dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng.

The Guardian cảnh báo việc tăng lãi suất quá mạnh tay sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vốn đang chật vật từ sau đại dịch đến gần hơn với viễn cảnh suy thoái.

Từ trước tới nay, Fed vẫn sử dụng lãi suất như một công cụ để hạ nhiệt lạm phát, khi giá cả leo thang quá cao. Lãi suất sẽ ảnh hưởng tới những khoản vay tín dụng, mua nhà, mua xe và cả vay để làm ăn buôn bán. Lãi suất cao có thể sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Tin liên quan

Đọc tiếp