Nhà đầu tư cá nhân vẫn mở mới hơn 230.000 tài khoản trong tháng 4 'đỏ lửa'

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
21:12 - 10/05/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Sau tháng 3/2022 kỷ lục với hơn 270.000 tài khoản mở mới, số tài khoản chứng khoán cá nhân mới trong tháng 4 tiếp tục duy trì ở mức cao với con số 230.000; nâng luỹ kế lên hơn 5,2 triệu tài khoản chứng khoán các loại tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 4 đạt 230.765 tài khoản; nâng luỹ kế lên 5,16 triệu tài khoản. Số tài khoản tổ chức mở mới tăng 159 lên 13.670 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tăng 329 lên 36.642 tài khoản. Còn tài khoản nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 22 lên 4.220 tài khoản. Tính chung, trên thị trường hiện có hơn 5,2 triệu tài khoản chứng khoán.

Như vậy, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 4/2022 cao kỷ lục thứ hai, chỉ sau tháng 3 trước đó. Sự tích cực này trái ngược với diễn biến thị trường thời gian qua. Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), trong tháng 4, chỉ số VN-Index từng đạt mức đỉnh mới 1.524,7 điểm vào phiên 4/4. Nhưng kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, chỉ số này giảm xuống còn 1.366,8 điểm, tương đương mức giảm 8,4% so với tháng 3, giảm 8,78% so với cuối năm 2021. Chỉ số VNAllshare và VN30 cũng giảm lần lượt 8,96% và 6,05% so với tháng trước.

Thanh khoản thị trường tháng 4 cũng giảm sút với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 22.117 tỷ đồng và 683,68 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 16,27% về giá trị và 15,26% về khối lượng so với tháng 3. Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt khoảng 442.359 tỷ đồng và 13,67 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 27,19% về giá trị và 26,31% về khối lượng so với tháng trước.

Điểm sáng nhất trên thị trường trong tháng qua là động thái giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của HoSE, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 67.088 tỷ đồng, chiếm 7,58% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị trên 3.510 tỷ đồng.

Theo FiinGroup, trong tháng 4, nhà đầu tư cá nhân ghi nhận bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021 (4.300 tỷ đồng). Nhưng lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng, số dư tiền gửi/tài khoản của quý 1/2022 thậm chí giảm so với quý 4/2021. Mặt khác, dư nợ cho vay margin tăng chậm và các công ty chứng khoán đẩy mạnh danh mục tự doanh trái phiếu.

Sau những nhịp chỉnh mạnh, hiện tại định giá P/E của VN-Index đã xuống mức 14,7 lần, thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm. Trong đó, định giá P/B của khối ngân hàng đã xuống thấp hơn P/B trung bình 5 năm, đạt mức 2.0, và định giá P/E của khối Phi tài chính cũng hạ xuống còn 17,9 lần. Đây được xem là mức định giá khá hấp dẫn. Nhóm ngành được FiinGroup đánh giá có triển vọng tăng giá trong quý 2 và quý 3 gồm doanh nghiệp xuất khẩu (logistícs và thủy sản); bán lẻ, điện, công nghệ thông tin.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn trước sóng gió đến từ những thông tin bất lợi về hoạt động thao túng thị trường cổ phiếu, bất động sản...; nhưng sẽ dần lấy lại cân bằng khi nhìn nhận triển vọng tốt hơn về tính minh bạch và ít rủi ro hơn trong trung và dài hạn.

Hiện tại, VN-Index có mức định giá khá hấp dẫn là 12,4 lần (theo Bloomberg), thấp hơn mức trung bình 10 năm là 14,9 lần. Đối với VN30, chỉ số này cũng hấp dẫn với PE là 12,3 lần (tính đến ngày 29/4/2022) và PE dự phóng 2022 (dự báo thu nhập bốn quý tiếp theo) là 11,1 lần. Theo đó, VDSC kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.320 - 1.420 trong tháng 5.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.