Nhà đầu tư kiến nghị sớm có T+0 để hút thanh khoản, đại diện UBCKNN nói gì?

UBCKNN CHỨNG KHOÁN
10:57 - 30/06/2022
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN.
0:00 / 0:00
0:00
Vừa qua, cơ quan quản lý đã có động thái điều chỉnh thanh toán chứng khoán với chu kỳ T+2, tức tiền về tài khoản sớm 1 ngày. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn mong muốn chu kỳ rút ngắn hơn nữa, về T+0 như nhiều thị trường quốc tế.

Phát biểu tại Tọa đàm “Đầu tư Tài Chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/6, ông Nguyễn Đức Lâm - Trưởng nhóm đầu tư MBS (Chứng khoán MB) kiến nghị, hiện nay giao dịch T+3 gây rủi ro cho nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán trồi sụt theo ngày, vì thế cần thiết phải đưa về giao dịch T+0.

Ông Lâm cho rằng vấn đề quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là thanh khoản. Thời gian qua, việc dòng tiền rút ra mạnh đã khiến thị trường có những cú rơi không ngờ. Với chu kỳ T+3, nhà đầu tư càng thêm e ngại không dám tham gia, dẫn đến thanh khoản ngày càng cạn kiệt. “Nếu 3 ngày mới được bán, nhà đầu tư có thể lỗ mấy chục % khi cổ phiếu vào đà giảm. Đó là lý do khiến họ e ngại. Còn nếu được giao dịch mua bán ngay trong ngày, nhà đầu tư sẽ hào hứng tham gia hơn vì có lỗ cũng không đáng kể”, ông Lâm phân tích.

Trước kiến nghị của nhà đầu tư, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN lý giải, các thị trường quốc tế cũng áp dụng phổ biến chu kỳ thanh toán T+2 và T+3. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán thế giới, họ cho phép các giải pháp giao dịch như cho phép bán khống, cho phép sử dụng biện pháp mua bán trong ngày. Việc không phát sinh nghĩa vụ thanh toán cuối ngày như vậy làm giảm đi yêu cầu của nhà đầu tư về việc phải được bán chứng khoán ngay sau khi mua.

Hiện nay, về mặt pháp lý, Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho những giải pháp giao dịch như vậy, bao gồm bán khống, mua bán trong ngày, hoặc bán chứng khoán đang trên đường về. Nhưng Việt Nam không áp dụng thanh toán song phương từng giao dịch, mà thanh toán bù trừ dòng đa phương. Vì vậy nhanh nhất thì cuối ngày giao dịch, Sở giao dịch và trung tâm Lưu ký chứng khoán mới có thể thống kê được số lượng các giao dịch diễn ra, thực hiện bù trừ và tính toán ra số lượng chứng khoán, số lượng tiền cần phải chuyển giao của ngày hôm đó.

“Chúng tôi cũng đang nỗ lực cố gắng giảm hơn nữa thời gian nhưng trước mắt là rút bớt từng khâu trong quá trình thanh toán, khoảng T+1,5”, bà Bình nói.

Hiện tại nhà đầu tư mua chứng khoán phải sau 3 ngày mới được bán lại.

Hiện tại nhà đầu tư mua chứng khoán phải sau 3 ngày mới được bán lại.

Bà Bình cho biết thêm, để hỗ trợ phát triển thị trường theo hướng bền vững, UBCKNN sẽ có những thay đổi về chính sách điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, sẽ khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Cũng theo bà Bình, thời gian qua, UBCKNN đã tập trung xử lý vấn đề kỹ thuật để hỗ trợ giao dịch, cải thiện thanh khoản bao gồm điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán có chu kỳ thanh toán T+2, dự kiến áp dụng từ tháng 8 tới đây. Với quy định mới này, khi cổ phiếu về tài khoản trong khoảng thời gian 11h30 – 12h00, nhà đầu tư có thể giao dịch ngay trong phiên giao dịch buổi chiều của ngày T+2. Như vậy, thời gian giao dịch đã được rút ngắn thêm 1 ngày.

Về giải pháp dài hạn, bà Bình cho biết năm 2023 sẽ là năm triển khai quyết liệt việc tái cấu trúc hàng hoá trên hai Sở giao dịch. Các cổ phiếu sẽ chuyển sang tập trung giao dịch ở sàn HoSE. Còn sàn HNX sẽ tập trung giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra, công tác tái cấu trúc thị trường như nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính, áp dụng các công nghệ tài chính mới, chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến, xác thực khách hàng trực tuyến; nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên hành nghề chứng khoán; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech… cũng là các giải pháp được người đứng đầu Vụ phát triển thị trường nêu ra.

Theo bà Bình, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị; chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19 của Trung Quốc; động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế; kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại; giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao gây ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp…

Tuy nhiên tại thị trường trong nước vẫn xuất hiện những điểm sáng tích cực. Đó là việc nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong những tháng gần đây. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số, cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Đến hết Quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn báo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.