Nhận định chứng khoán tuần này: Dòng tiền vẫn không đủ để ‘vẽ các giấc mơ’

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:18 - 24/07/2022
Dòng tiền yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.
Dòng tiền yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.
0:00 / 0:00
0:00
VN Index ghi nhận sự phục hồi tốt trong tuần vừa qua, tuy nhiên lực cầu dần suy yếu vào những phiên cuối tuần thể hiện sự thận trọng của dòng tiền trước thông tin vĩ mô sẽ được Mỹ công bố tuần này.

Trong tuần qua, VN-Index tuy thất bại trong việc lấy lại ngưỡng 1.200 điểm nhưng vẫn tăng 15,5 điểm, tương ứng 1,32%, lên mốc 1.194,76 điểm. HNX-Index cũng tăng 4,2 điểm, tương ứng 1,56%, kết thúc tuần với 288,83 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE giảm nhẹ 0,43%, còn gần 502 triệu cổ phiếu/phiên. Còn tại sàn HNX, thanh khoản lại tăng 6,93%, lên hơn 65 triệu cổ phiếu/phiên.

Tín hiệu tích cực nữa là khối ngoại đã trở lại mua ròng sau hai tuần bán ròng rất mạnh trước đó. Họ mua vào 127 triệu cổ phiếu trên toàn thị trường, trị giá 4.808 tỷ đồng, trong khi bán ra 114,4 triệu cổ phiếu, trị giá 4.260 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 12,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 548,5 tỷ đồng.

Mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là GAS với giá trị 187 tỷ đồng. MWG đứng sau với giá trị mua ròng 137 tỷ đồng. Hai mã ngành chứng khoán là VND và SSI cũng được mua ròng lần lượt 103 tỷ đồng và 94 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG bị bán mạnh nhất với 128 tỷ đồng. Tiếp sau là chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 99,6 tỷ đồng, VHM 89 tỷ đồng và FPT 72 tỷ đồng.

Trở lại chỉ số thị trường, GAS là mã trụ cột kéo VN-Index về sát mốc 1.200 khi đóng góp 5,1 điểm cho chiều tăng. Trong tuần qua, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 11% bất chấp giá xăng trong nước tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, VIC lại là nhân tố khiến VN-Index vuột mất ngưỡng 1.200. Dù thị giá của VIC chỉ giảm hơn 4% trong tuần qua nhưng đã kéo giảm gần 3 điểm của chỉ số, trong khi HPG xếp sau chỉ làm giảm 1,4 điểm.

ST8 của CTCP Siêu Thanh tăng mạnh sau khi công ty chốt ngày chia cổ tức tiền mặt 85%.

Xét về nhóm ngành thì xăng dầu, khí đốt tăng mạnh nhất với +10,1% giá trị vốn hoá. Nhờ sức bật của GAS, các mã khác cùng ngành cũng tăng theo như PGS (+11,89%), PVG (+5,05%), CNG (6,99%)… Trong tuần qua, giá khí tại Châu Âu tiếp tục đà tăng mạnh, một phần là vì đường ống North Stream từ Nga vẫn đang ngừng hoạt động để bảo trì, ngoài ra nắng nóng lịch sử tại một số nước như Pháp, Tây Ban Nha kéo theo nhu cầu khí để sản xuất điện tăng cao.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ sau khi giảm giá mạnh trong 2 tuần đầu tháng 7 đã có sự phục hồi tốt với mức tăng 5,28%; trong đó các mã chủ đạo đều tăng mạnh như MWG (+4,88%), DGW (+16,19%), FRT (+4,37%). Có thể những diễn biến hạ nhiệt giá năng lượng gần đây trên thế giới và việc giảm các loại thuế, phí góp phần hạ mạnh giá xăng dầu trong nước của các cơ quan quản lý đã tạo ra tâm lý tốt cho nhà đầu tư, giúp giảm bớt những lo ngại về lạm phát và nhu cầu giảm đối với các sản phẩm không thiết yếu như điện máy, điện thoại di động.

Ngược lại, thép là nhóm giảm điểm mạnh nhất với tỷ lệ -2,89% vốn hóa, khi cổ phiếu các doanh nghiệp lớn ngành thép đều giảm như HPG (-4,31%), HSG (-0,55%), TVN (-2,35%), NKG (-3,27%). Giá thép bán ra trong vòng 10 tuần qua đã điều chỉnh giảm 10 lần. Ngành thép trong nửa cuối năm 2022 được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức trước áp lực lạm phát và việc kiểm soát tín dụng bất động sản khiến nhu cầu xây dựng sụt giảm. Việc một số công ty thép ra báo cáo tài chính quý 2 với kết quả lợi nhuận giảm 80-90% so với cùng kỳ cũng tác động phần nào tới giá cổ phiếu.

Dòng tiền thận trọng chờ thông tin vĩ mô

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index ghi nhận diễn biến phục hồi tốt trong tuần vừa qua với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành đóng góp tích cực giúp chỉ số chung quay lại khu vực 1.200. Bên cạnh đó việc thanh khoản được cải thiện ở chiều mua chủ động ở các phiên phục hồi mạnh cho thấy dòng tiền đã dần trở nên tích cực hơn và quay trở lại thị trường.

Trong tuần tới, thị trường dành nhiều sự chú ý xung quanh tình hình kinh tế vĩ mô. Trong nước là các số liệu tình hình kinh tế xã hội tháng 7 khi cùng cùng kỳ năm ngoái là thời điểm nền kinh tế rơi vào trạng thái tăng trưởng âm do tác động của dịch bệnh. Trên thị trường thế giới là kết quả của cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 7 với mức tăng lãi suất có thể lên tới 1% và quan điểm của Fed đối với khả năng nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái.

Nhìn chung có thể thấy, xu hướng tăng lãi suất vẫn đang tiếp diễn đối với nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có cả châu Âu khi ECB cuối tuần này cũng đã đưa ra mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản - cao hơn kỳ vọng trước đó từ thị trường.

Về góc nhìn kỹ thuật, VN Index kết phiên cuối tuần tạo nến Doji cho thấy sự lưỡng lự của các nhà đầu tư. Tại khung đồ thị ngày và tuần, các chỉ báo MACD và RSI vẫn đang cho tín hiệu tích cực tuy nhiên tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo này đang cho dấu hiệu tạo đỉnh báo hiệu việc rung lắc trên đường hướng lên các vùng điểm cao là hoàn toàn có thể xảy ra.

VCBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, chỉ nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức vừa phải khoảng 50% để quản trị rủi ro tài khoản. Vùng điểm 1.200 – 1.220 sẽ là vùng kháng cự trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi, quan sát diễn biến tại vùng điểm này trước khi đưa ra quyết định gia tăng hoặc giảm tỷ trọng nếu VN-Index thất bại trong việc vượt ngưỡng cản tâm lý trên.

VN-Index tiếp tục hồi phục, tăng điểm tuần thứ 2 sau khi tạo vùng đáy ngắn hạn 1.142-1.145 điểm.
VN-Index tiếp tục hồi phục, tăng điểm tuần thứ 2 sau khi tạo vùng đáy ngắn hạn 1.142-1.145 điểm.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng trong tuần qua, VN-Index đã vượt được vùng kháng cự ngắn hạn mạnh 1.185 điểm và vượt được xu hướng giảm giá kéo dài từ tháng 4/2022 đến nay. Sắp tới, VN-Index có thể duy trì tích lũy kiểm tra lại vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.185-1.190 điểm, tiếp tục phục hồi kiểm tra vùng kháng cự tâm lý 1.200 điểm.

Với quan điểm dài hạn, SHS cho rằng thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, hình thành vùng tích lũy. Ở vùng giá hiện tại, định giá thị trường vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) thị trường đang ở mức 13 lần trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì.

GDP quý II/2022 tăng 7,72%, cao nhất trong thập kỷ qua và GDP quý III/2022 có thể trên 9%. Nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn, SHS khuyến nghị.

Theo Chứng khoán Tân Việt (TVSI), diễn biến phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền hiện vẫn yếu và mức độ nhập cuộc khá dè dặt với tâm lý lo ngại về tương lai. Các điều kiện thuận lợi trong đợt hồi phục và bình yên của thị trường quốc tế đang bị thị trường Việt Nam bỏ lỡ một cách khá đáng tiếc.

Kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp đang công bố với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt giúp cho thị trường duy trì sự phân hóa nhất định. TVSI cho rằng, cần nhìn vào thực tế hiện tại dòng tiền vẫn không đủ để "vẽ các giấc mơ". Nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu và đưa về mức phòng thủ (<30% tài khoản).

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.