Nhận định chứng khoán tuần này: Kỳ vọng lực cầu bắt đáy tiếp tục gia tăng

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
09:16 - 02/10/2022
Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng VN-Index 1.100 điểm.
Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng VN-Index 1.100 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Với trạng thái quá bán nhiều phiên liên tiếp, có thể kỳ vọng lực cầu bắt đáy tiếp tục gia tăng trong tuần này để giúp VN-Index hồi phục một phần số điểm đã mất và hướng về ngưỡng tâm lý 1.150 điểm.

VN-Index trải qua một tuần giảm điểm mạnh với việc nhiều cổ phiếu bị bán tháo, kéo chỉ số sàn HoSE về sát vùng điểm 1.130. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và lực cầu chỉ xuất hiện khi VN-Index chạm vùng 1.100 giúp thị trường thu hẹp đà giảm.

Khối ngoại bán ròng, tự doanh gom mạnh

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 71,27 điểm (-5,9%) xuống 1.132,11 điểm, HNX-Index giảm 14,19 điểm (-5,4%) xuống 250,25 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,1% lên 2.841 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 1,2% so với tuần trước đó xuống 6.502 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,6% lên 332 triệu cổ phiếu.

Mức giảm trên đã đưa chứng khoán Việt Nam vào top giảm mạnh nhất. Theo thống kê của IndexQ, chỉ số chứng khoán chuẩn của Phillippines lao dốc mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8,3%. Kế đó là chỉ số của Nga, Việt Nam và Hàn Quốc suy giảm tương ứng 7,5%, 5,9% và 5,87%.

Sắc đỏ đã bao trùm phần lớn thị trường chứng khoán trên thế giới khi nỗi lo suy thoái dâng cao và các ngân hàng trung ương ngày càng quyết liệt chống lạm phát hơn. Cùng với đó là một thị trường tiền tệ bất ổn, với đồng USD tăng không ngừng nghỉ, còn Bảng Anh, Euro và đồng tiền châu Á đồng loạt lao dốc. Tất cả những yếu tố này đè nặng tâm lý giới đầu tư.

Trở lại với chứng khoán Việt Nam tuần qua, 2 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất là bộ đôi VIC và VHM khi lấy đi hơn 14 điểm của VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu như MSN, VCB, GVR hay VNM. Ở chiều ngược lại, NVL, LGC, VHC và TCH là những mã có tác động tích cực nhất, nhưng mức độ đóng góp là không cao.

Hầu hết các nhóm ngành đều sụt giảm mạnh, trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất với mức giảm 11,1% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến cho cầu dầu cũng đi xuống. Có thể kể đến các mã tiêu biểu như BSR (- 11,8%), OIL (-9,8%), PVD (-10,8%), PVS (-8,8%), PVB (- 18,1%), PVC (-13,5%)...

Tiếp theo là nhóm ngành nguyên vật liệu với -8,5% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu ngành con hóa chất như DGC (-17%), DPM (-5,4%), DCM (-7%)... và ngành con thép như HPG (- 6,6%), HSG (-8,6%), NKG (-13,5%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại có VIC, VHM sụt mạnh hơn 10%. DXG lao dốc mạnh 18,15%, DIG giảm 7,62%.

Dù có phiên cuối tuần hồi phục mạnh mẽ nhưng tính cho cả tuần thì nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn ghi nhận giảm giá ở nhiều cổ phiếu. Mã KBC giảm 2,03%, BCM giảm 4,33%, ITA lao dốc 9,09%...

Cùng trong xu hướng tiêu cực chung của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài có thêm 1 tuần bán ròng mạnh, đạt hơn 1.125 tỷ đồng với tâm điểm bán chính là các cổ phiếu bất động sản.

Theo đó, NLG bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với khối lượng bán ròng đạt 9,64 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 311,8 tỷ đồng. Tiếp theo là KDH bị bán ròng 8,18 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 238,9 tỷ đồng và NVL bị bán ròng 197,3 tỷ đồng (2,43 triệu đơn vị).

Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu DGC trong tuần qua với tổng giá trị mua ròng đạt 76,8 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 1,16 triệu đơn vị. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng mua ròng đạt 3,9 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 76,7 tỷ đồng.

Tín hiệu tích cực khi bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng nghìn tỷ, đóng vai trò hỗ trợ tâm lý thị trường. Theo thống kê, khối này mua ròng gần 1.688 tỷ đồng cổ phiếu toàn thị trường tuần này, đánh dấu tuần mua ròng mạnh nhất kể từ khi trở lại công bố dữ liệu giữa tháng 5.

NVL của Novaland dẫn đầu về quy mô mua ròng của khối tự doanh, đạt 251 tỷ đồng. Theo sau là HPG của Hòa Phát được mua ròng 166 tỷ đồng. Mặc dù trải qua một tuần giao dịch kém sắc, hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VIC cũng được khối tự doanh gom lần lượt 150,2 tỷ đồng và 127,9 tỷ đồng. Các mã được mua ròng khác là VNM (138,5 tỷ đồng), MSN (110,3 tỷ đồng), VCB (87,5 tỷ đồng), KOS (86,8 tỷ đồng), FPT (80,8 tỷ đồng) và MBB (73 tỷ đồng)…

Ở chiều bán ra, quỹ ETF nội là E1VFVN30 dẫn đầu về giá trị bán ròng với 334,1 tỷ đồng. Hai ETF khác cũng bị bán ròng là FUEVFVND (23,7 tỷ đồng) và FUEKIV30 (13,4 tỷ đồng). Cổ phiếu DXG dẫn đầu về giá trị bán ròng với gần 185 tỷ đồng, theo sau là EIB (96,1 tỷ đồng) và OGC (52,5 tỷ đồng).

Giá trị giao dịch mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: SHS
Giá trị giao dịch mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: SHS

Không loại trừ phiên tăng điểm chỉ là phục hồi kỹ thuật

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường có tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh sụt giảm của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Chỉ số VN-Index đã chính thức xuyên thủng vùng đáy cũ thiết lập vào đầu tháng 7 quanh ngưỡng 1.140 điểm trong phiên 29/9 và sau đó tiếp tục giảm xuống những mức thấp hơn. Nhưng lực cầu bắt đáy quanh ngưỡng tâm lý 1.100 điểm là đủ tốt đã giúp thị trường hồi phục trong phiên cuối tuần.

Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn đang di chuyển trong một kênh giá sideway down (nghiêng xuống) và xu hướng của thị trường hiện tại đang nghiêng về chiều hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, chỉ số sàn HoSE đang nằm gần các ngưỡng hỗ trợ mà gần nhất là đường trendline nối các đáy tháng 5 và tháng 7. Bên cạnh đó, RSI (14) đã ở trạng thái quá bán phiên thứ 5 liên tiếp. Vì vậy, có thể kỳ vọng lực cầu bắt đáy tiếp tục gia tăng trong tuần này để giúp VN-Index hồi phục một phần số điểm đã mất và hướng về ngưỡng tâm lý 1.150 điểm.

Trên góc độ dài hạn hơn, SHS đánh giá VN-Index vẫn đang trong xu hướng sideway down nên sẽ khó giảm mạnh. Nếu không giữ được ngưỡng hỗ trợ tương ứng với trendline kể trên (quanh vùng 1.100 điểm) trong thời gian tới, chỉ số có thể sẽ đánh mất kỳ vọng về kịch bản sideway down và diễn biến tiêu cực hơn.

Nến xanh phiên cuối tuần chưa vượt được ½ thân nến đỏ của phiên trước đó. Nguồn: SHS

Nến xanh phiên cuối tuần chưa vượt được ½ thân nến đỏ của phiên trước đó. Nguồn: SHS

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, VN-Index trải qua 1 tuần giảm điểm mạnh xuyên thủng hỗ trợ vùng đáy tháng 7 và kết tuần tại 1.132,11 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số chạm vùng điểm 1.100 tương đương với ngưỡng Fibonacci mở rộng 0,5 bật hồi trở lại tạo nến xanh tăng điểm.

Tuy nhiên, các chỉ báo vẫn đang diễn biến tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ nhất, nến xanh phiên cuối tuần chưa vượt được ½ thân nến đỏ của phiên trước đó. Vì vậy không loại trừ việc phiên tăng điểm kết tuần chỉ là phục hồi kỹ thuật và quán tính giảm có thể vẫn còn tiếp diễn.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng, không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn.

Theo Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã khép lại ba phần tư chặng đường trong năm 2022 bằng phiên tưng bừng nhờ dòng vốn ngoại đảo chiều mua mạnh. Kể từ mức đỉnh tháng 8, chỉ số VN-Index đã giảm 195,5 điểm, tức sụt 15,1%, tương đương nhịp giảm của chứng khoán Mỹ. Rất nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm về mức hỗ trợ kể từ đầu năm và đang nhận được lực cầu bắt đáy.

Phiên thứ Sáu (ngày 30/9) phục hồi hơn 30 điểm kể từ mức đáy với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức tăng cao nhất trong phiên sẽ là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường trong tuần này. Bên cạnh đó là việc chứng khoán thế giới đã ổn định trở lại khi đà tăng dữ dội của đồng USD đã gặp vùng cản mạnh và có dấu hiệu đạt đỉnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp