Nhận định thị trường chứng khoán tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
07:10 - 15/01/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi VN-Index ghi nhận một nhịp tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp những tuần vừa qua, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp cho tới kỳ nghỉ lễ.

VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch đi ngang với biên độ thấp và chuỗi ngày liên tục giằng co hình thành nhiều nến đầu quay (Spinning top), tạm dừng đà tăng điểm trước đó tại mốc kháng cự 1.060 – 1.065 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản duy trì ở mức thấp và không biến động quá nhiều, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vào những phiên giao dịch trước Tết.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 8,73 điểm (+0,8%) lên 1.060,17 điểm, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,3%) lên mức 211,26 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 17,8% so với tuần trước đó lên 48.167 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13,8% lên 2.660 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 2% xuống 4.348 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,6% xuống 283 triệu cổ phiếu.

VCB, VHM là trụ cột chính giúp VN-Index tăng điểm trong tuần qua khi lần lượt đóng góp hơn 2,3 điểm. Bên cạnh cổ phiếu của Vietcombank, có 5 cổ phiếu ngân hàng khác bao gồm ACB, VPB, VIB, CTG và STB cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần. Tính chung cả 6 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đã giúp chỉ số tăng gần 6 điểm.

Vốn hoá nhóm ngân hàng tăng 1,4%. Cụ thể là VCB (+2,1%), BID (+0,4%), CTG (+1,7%), VPB (+2,4%), TCB (+0,4%), ACB (+4,3%), VIB (+7%), SHB (+1,4%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 5,5% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như BSR (+2,7%), PVS (+2,2%), PVD (+8,4%), PLX (+5,6%), OIL (+8,3%)...

Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng 1,4% nhờ các đại diện thuộc ngành con thép như HPG (+2,8%), HSG (+3,6%), NKG (+6%)... Trong khi đó, ngành con hóa chất lại điều chỉnh với DGC (-2,9%), DPM (-3,1%), DCM (- 2,6%)...

Nguồn: VCBS

Nguồn: VCBS

Sau 9 tuần mua ròng liên tiếp, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên hai sàn với giá trị ròng đạt hơn 1.500 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do khối này giao dịch thỏa thuận bán hơn 132,7 triệu EIB trong phiên giao dịch cuối tuần (13/1) với giá trị gần 3.400 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch đột biến trên, khối ngoại vẫn mua ròng gần 1.900 tỷ đồng trong tuần.

Phía mua ròng, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục được nhà đầu tư ngoại giải ngân mạnh nhất với quy mô 334,8 tỷ đồng. Thống kê cho thấy xu hướng mua ròng HPG những tuần gần đây trái ngược hoàn toàn với đà bán ròng mạnh mẽ trong hai năm qua.

Danh mục top10 mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên còn có sự góp mặt của CTG (137 tỷ đồng), VHM (126,2 tỷ đồng), VCI (102,8 tỷ đồng), VIC (102,4 tỷ đồng), PVD (100,4 tỷ đồng), VNM (86,2 tỷ đồng)...

Tín hiệu kỹ thuật vẫn duy trì diễn biến tích cực

Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có một tuần tăng điểm nhẹ với các phiên giằng co đi ngang trong biên độ hẹp. Ngoài ra, sự hình thành các cây nến nhỏ với khối lượng thấp cũng phần nào cho thấy tâm lý thận trọng, hạn chế giao dịch của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Hệ thống các chỉ báo kỹ thuật trên đồ thị tuần vẫn duy trì được diễn biến tích cực. Thêm vào đó, chỉ số cũng đang được nâng đỡ bởi các đường MA ngắn hạn trên đồ thị tuần. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro giảm sâu trong ngắn hạn.

BVSC thiên về khả năng thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co đi ngang trong tuần cận Tết. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 1.040-1.045 điểm và 1.025-1.030 điểm. Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 1.060-1.070 điểm và 1.185-1.100 điểm.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường có bước khởi đầu thuận lợi ở 2 tuần đầu năm, chỉ số VN-Index tăng 5,27% lên trên ngưỡng 1.060 điểm dù thanh khoản chỉ bằng ½ bình quân năm 2022. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu đã giúp thị trường có sự phân hóa tích cực, nổi bật là các nhóm cổ phiếu như đầu tư công, chứng khoán, thép, bất động sản…

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có 2 tuần tăng liên tiếp, vùng cận trên ở 1.064 điểm vẫn là ngưỡng cản khá mạnh khi không có sự ủng hộ từ thanh khoản. Với độ rộng thị trường khá tích cực, nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau Tết Âm lịch hoặc vẫn tiếp tục đi ngang nhưng có cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.

Nguồn: MBS

Nguồn: MBS

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index kết tuần với cây nến Spinning Top (quay đầu) cho thấy xu hướng tăng trước đó của thị trường đã hạ nhiệt. 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI ở khung đồ thị ngày đều hướng lên trở lại vào 2 phiên cuối tuần cho thấy rủi ro tạo phân kỳ âm trong ngắn hạn đã giảm bớt.

Với diễn biến hiện tại sau khi VN-Index ghi nhận 1 nhịp tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp những tuần vừa qua, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp cho tới trước kỳ nghỉ lễ. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp tăng để hiện thực hóa lợi nhuận trên các cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn và hạn chế mở mới giao dịch cho tới phiên giao dịch cuối năm.

VCBS thông tin thêm, lạm phát Mỹ giảm 0,1% trong tháng 12 đúng như kỳ vọng của thị trường. So với cùng kỳ lạm phát Mỹ tăng 6,5% cũng là mức tăng nhất tính từ tháng 10/2021. Tuy vậy, cũng cần lưu ý xu hướng tăng giá của các nhóm hàng hóa vẫn đang tiếp diễn và hàm ý Fed sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất dù tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể.

Chỉ số sức mạnh đồng đô tiếp tục giảm nhẹ. Diễn biến này cùng với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục gia tăng dự trữ ngoại hối thành công trong tuần qua được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường. Việc mua vào ngoại tệ thành công tiếp tục thể hiện khả năng can thiệp linh hoạt 2 chiều của nhà điều hành.

Mức giảm giá tương đối thấp của VND so với USD trong tương quan so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư khi yếu tố bất định thường trực ở hầu hết thị trường tài chính toàn cầu. Như vậy, trong ngắn hạn, thanh khoản VND sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể đi cùng với khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Với giả định dòng vốn đầu tư tiếp tục duy trì trên thị trường trong và sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để không tăng lãi suất điều hành hoặc thậm chí kéo giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc FPT.

Tập đoàn FPT 'đổi ghế' phó tổng giám đốc

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn giữ vị trí Phó tổng giám đốc FPT từ ngày 13/3/2024. Ông tiếp tục kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc FPT Software - công ty thành viên chủ chốt của FPT trong khối công nghệ.