Nhân viên y tế chuyển từ công sang tư không phải là 'chảy máu chất xám'

Y Tế QUỐC HỘI
16:49 - 21/09/2022
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc nhân viên y tế chuyển từ công sang tư không phải là "chảy máu chất xám", vì họ vẫn đóng góp cho đất nước và người dân.

Ngày 21/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục, điều chỉnh lại cho rõ ràng, hợp lý, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 1 điều và bổ sung 14 điều.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích/lập luận cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đối với quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí như thể hiện tại Điều 106 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, vẫn còn các ý kiến khác nhau về các nội dung như yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp.

Về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng cần quy định nội hàm của 4 yếu tố cấu thành giá. Lại có kiến khác cho rằng 4 yếu tố cấu thành giá nêu tại dự thảo là chưa đủ và cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố khác như lợi nhuận, các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và giá trị vô hình của thương hiệu.

Về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp, bên cạnh ý kiến cho rằng việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Vẫn còn những ý kiến khác đề nghị quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở phương pháp tính giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Đồng thời, phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý quy định cho phù hợp.

Cán bộ y tế chuyển từ công sang tư không phải “chảy máu chất xám”

Về vấn đề nhiều cán bộ y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công để chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc coi đây là hiện tượng "chảy máu chất xám" thì không đúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng do cơ chế, chính sách y tế công chưa phù hợp, dẫn đến chưa “giữ chân” được các cán bộ y tế. Ông đánh giá việc nhân viên y tế chuyển sang tư nhân nhưng vẫn đóng góp cho đất nước, người dân, chứ “có chạy sang Tây đâu mà sợ”. Dù vậy, ông nhấn mạnh vẫn cần phải sửa đổi cơ chế chính sách để giữ chân cán bộ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung…

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là Luật có tính chất xương sống của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, không thể vội ban hành Luật mới, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại thấy phải sửa.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2021 – 30/6/2022 cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó có 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như TP HCM (2.035), TP Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368)…

Tin liên quan

Đọc tiếp