Nhập khẩu xăng dầu tăng vọt để bảo đảm nguồn cung cuối năm

Xăng Dầu Việt nAM
19:57 - 29/11/2022
Nhập khẩu xăng dầu tăng vọt để bảo đảm nguồn cung cuối năm. Ảnh: Quách Sơn.
Nhập khẩu xăng dầu tăng vọt để bảo đảm nguồn cung cuối năm. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu hơn 7,5 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 24% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11/2022, lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tăng mạnh so với nửa cuối tháng 10 trước đó, đặc biệt là mặt hàng xăng.

Cụ thể, theo thông tin được đăng tải trên báo điện tử của Bộ Công Thương ngày 28/11, từ ngày 1-15/11, cả nước nhập khẩu 380.877 tấn xăng dầu các loại (gồm xăng, mazut, diesel, nhiên liệu bay), tổng kim ngạch đạt 360,6 triệu USD. So với nửa cuối tháng 10/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng 21,81%, tương đương tăng 68.202 tấn.

Trong đó, riêng mặt hàng xăng có lượng nhập khẩu tăng trưởng đến 3 con số với 177.970 tấn, kim ngạch 157,35 triệu USD, gấp 3 lần về lượng và gấp 3,32 lần về kim ngạch so với nửa cuối tháng trước đó.

Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu hơn 7,5 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch đạt 7,74 tỷ USD, tăng 24,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng gần 1,5 triệu tấn, kim ngạch tăng gần 122%. Riêng mặt hàng xăng đạt 1.558.065 tấn, kim ngạch 1,666 tỷ USD, tăng 127,6% về lượng, tương đương tăng 873.478 tấn.

Các thị trường nhập khẩu xăng dầu chủ yếu của Việt Nam đều tập trung ở châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…

Để tiếp tục tạo thuận lợi và rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.

Đồng thời bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7. Chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.

Theo đó, Tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 02 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan (tức thời gian thực hiện tính từ ngày 10/8/2022).

Quy định này giúp cho cho cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế để nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp.

Hiện Bộ Công thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 5,5 triệu m3, tấn trong quý 4/2022 (bình quân 1.833.333 m3, tấn/tháng) nhằm đảm bảo nhu cầu thị trường những tháng cuối năm.

Năm 2023, Bộ này cũng đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn; kịch bản 2, tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý.

Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý, sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp