Nhật Bản bắt tay với Malaysia để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa đông

KHÍ ĐỐT NHẬT BẢN
14:40 - 30/09/2022
Malaysia là một trong những đối tác xuất khẩu LNG hàng đầu của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
Malaysia là một trong những đối tác xuất khẩu LNG hàng đầu của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Khi sự cạnh tranh về năng lượng toàn cầu ngày càng khốc liệt do mùa đông tới gần, Nhật Bản ngày 29/9 đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn dầu mỏ quốc gia Malaysia Petronas, nhằm ổn định nguồn cung LNG trong trường hợp khan hiếm hoặc khẩn cấp.

Trong khuôn khổ Hội nghị Nhà sản xuất - Người tiêu dùng LNG diễn ra trực tuyến hôm 29/9, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã chính thức công bố thỏa thuận hợp tác với Malaysia.

Tuyên bố hợp tác này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh nguồn cung LNG của Australia đang ngày càng lớn trong khi Malaysia, một trong những nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, lại là một đối tác tiềm năng. Trong năm 2021, quốc gia Đông Nam Á này chịu trách nhiệm cho 13,6% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản - nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ngoài Australia.

Ngoài các cam kết về cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên, Nhật Bản và tập đoàn Petronas cũng sẽ xem xét cùng đầu tư vào khai thác và sản xuất LNG và cuối cùng là chia sẻ các bể chứa. Theo Nikkei Asia, nhờ yếu tố thuận lợi về mặt địa lý hơn so với các nhà xuất khẩu khác gồm Mỹ hay các nước Trung Đông mà Nhật Bản hy vọng có thể tăng nhanh các lô hàng từ Malaysia trong trường hợp khẩn cấp.

Nhật Bản cũng sẽ hợp tác với Malaysia về công nghệ giảm phát thải, giúp nước này đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 như đã cam kết với quốc tế.

Ngoài Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn với Nhật Bản. Phản ứng lại mong muốn này, Bộ Kinh tế Nhật Bản khẳng định sẽ nỗ lực tìm hiểu các khoản đầu tư chung trong các lĩnh vực liên quan đến LNG và hợp tác trong các cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, quốc gia này cũng sẽ xem xét làm việc với các đối tác quốc tế trong việc mua bán khí đốt chung và các lĩnh vực khác.

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JIBC) và tập đoàn Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon cũng sẽ giúp các công ty năng lượng của Nhật Bản tìm kiếm nguồn cung LNG. Thêm vào đó, JBIC còn có kế hoạch cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho người mua, trong khi tập đoàn Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon sẽ cung cấp bảo hiểm cho các bên cho vay khu vực tư nhân tài trợ cho việc mua LNG.

Kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, các căng thẳng về tình hình năng lượng tại châu Âu đã khiến châu lục này đang đứng trước cuộc khủng hoảng. Do muốn hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Mỹ cũng như từ các đối tác khác, từ đó đẩy giá LNG lên cao và khiến sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng lớn hơn.

Triển vọng cho tương lai của khu vực này cũng không hề sáng sủa khi đường ống Nord Stream cùng nhiều đường ống dẫn khí chủ lực khác từ Nga tới châu Âu đang bị phá hoại một cách có chủ đích.

Nhật Bản thêm vào đó lại là một nước có nhu cầu khí đốt gia tăng vào mùa đông. Trong bối cảnh các lô hàng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nhật Bản từ Nga đang dần cạn kiệt, chính phủ nước này cần nỗ lực hết sức đảm bảo nguồn cung trước khi mùa đông tới.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.