Nhật Bản bước vào bầu cử Thượng viện sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe

Bầu cử NHẬT BẢN
10:49 - 10/07/2022
Người dân bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Tokyo, Nhật bản, ngày 10/7. Ảnh: Nikkei Asia
Người dân bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Tokyo, Nhật bản, ngày 10/7. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/7, cử tri Nhật Bản bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện nước này, hai ngày sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát khi ông đang vận động tranh cử ở thành phố Nara.

Theo Nikkei Asia, các điểm bỏ phiếu trên khắp Nhật Bản đã được mở lúc 7h sáng 10/7 (giờ địa phương) và đóng cửa lúc 20h cùng ngày Kết quả dự kiến sẽ được công bố ngay sau đó.

Tại cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần này, có 125 trong số 248 ghế sẽ được bầu lại, bao gồm có 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa.

Mỗi cử tri sẽ có 2 lá phiếu, trong đó 1 phiếu để bầu cho ứng cử viên mà họ lựa chọn trong hình thức bầu cử trực tiếp ở các khu vực bầu cử và 1 phiếu để bầu cho đảng mà họ ủng hộ theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Tấm áp phích của các ứng cử viên tại cuộc bầu cử Thượng viện bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Tấm áp phích của các ứng cử viên tại cuộc bầu cử Thượng viện bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử thượng viện tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh toàn nước Nhật và cả thế giới chấn động trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Đương kim Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và nhiều chính trị gia tuyên bố cú sốc từ vụ ám sát sẽ không thể làm đình trệ tiến trình bầu cử, trong đó các biện pháp an ninh được tăng cường.

"Chúng ta không bao giờ được cho phép bạo lực cản trở tiếng nói của chúng ta trong cuộc bầu cử, vì đây vốn là nền tảng của dân chủ", ông Kishida phát biểu trong cuộc vận động tranh cử hôm 9/7. Thủ tướng Kishida cũng dành thời gian tới nhà riêng ông Abe tại Tokyo để chia buồn, sau khi thi hài của cựu thủ tướng Nhật Bản được đưa về thủ đô chiều 9/7.

Ông Kishida, 64 tuổi, từng được mô tả là một trong những người kế nhiệm được cựu thủ tướng Abe ưu ái và đang có vị thế vững chắc tại quốc hội nhờ liên minh với đảng bảo thủ Công Minh (Komeito). Cuộc bỏ phiếu ngày 10/7 được dự báo sẽ củng cố quyền lực của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và giúp ông Kishida có vị thế tốt hơn để bước vào "ba năm vàng kim" - giai đoạn Nhật Bản không tổ chức cuộc bầu cử nào khác.

Sau cuộc bầu cử, nếu đảng LDP giành chiến thắng, Thủ tướng Kishida sẽ có nhiều thời gian để theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình, bao gồm việc sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình đầu tiên của đất nước. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng khiến nước này đặt ra vấn đề có nên tăng cường khả năng của lực lượng phòng vệ. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đang tìm cách vực dậy nền kinh tế ảm đạm, lạm phát và sự gia tăng trở lại ca mắc Covid-19.

Một trọng tâm khác trong cuộc bầu cử lần này là mức độ tham gia chính trị của phụ nữ. Nhật Bản ghi nhận kỷ lục 181 ứng cử viên nữ đã tham gia tranh cử, chiếm khoảng 33% tổng số ứng viên. Nhật Bản, quốc gia vốn đứng sau các nước châu Á về bình đẳng giới chính trị, đang cố gắng tạo ra một bước tiến mới sau bầu cử này.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe có ảnh hưởng đến đảng LDP. Mặc dù ông Abe rời nhiệm sở vào năm 2020, nhưng ông vẫn là một nhà lập pháp, là người đứng đầu Hội đồng Lý luận Chính trị Seiwa (Seiwa Seisaku Kenkyukai), nhóm lớn nhất trong 7 phái chính trị nội bộ LDP và tiếp tục ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách.

Người dân Nhật bày tỏ tiếc thương và cầu nguyện cho cựu Thủ tướng Abe. Ảnh: Reuters

Người dân Nhật bày tỏ tiếc thương và cầu nguyện cho cựu Thủ tướng Abe. Ảnh: Reuters

Ông Abe đã bị bắn tại cự ly gần trong khi đang vận động tranh cử tại một nhà ga xe lửa ở phía tây thành phố Nara thuộc vùng Kinki, Nhật Bản. Ông được đưa ngay đến bệnh viện bằng trực thăng trong tình trạng chảy nhiều máu, với vết thương ở ngực và cổ. Bác sĩ cho biết ông không qua khỏi do mất máu quá nhiều.

Trong khi đó, hung thủ vụ ám sát đã được bắt giữ ngay say khi nổ súng. Qua điều tra ban đầu, hung thủ là một cựu quân nhân, 41 tuổi, do không hài lòng với cựu Thủ tướng Shinzo Abe nên đã chế tạo súng 2 nòng để chuẩn bị ám sát.

Ông Tomoaki Onizuka, lãnh đạo cảnh sát tỉnh Nara, nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát, thừa nhận công tác bảo vệ an ninh cho ông Abe có những sai sót “không thể chối cãi”. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể về lỗ hổng chi tiết trong kế hoạch đảm bảo an ninh cho ông Abe.

Tin liên quan

Đọc tiếp