Nhật Bản sắp công bố gói kích thích tài khoá quy mô 350 tỷ USD

NHẬT BẢN asean
09:50 - 17/11/2021
Nhật Bản sắp công bố gói kích thích tài khoá quy mô 350 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Nhật dự kiến sẽ công bố gói kích thích tài khóa trị giá 40.000 tỷ yên (350 tỷ USD) vào ngày 19/11 tới, nhằm “xoa dịu nỗi đau” do đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế. 

Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa thông báo trong quý 3/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm khoảng 0,8% so với quý liền trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này suy giảm tăng trưởng sau hai quý tăng trưởng liên tiếp, nhưng là quý tăng trưởng âm thứ 5 trong 8 quý gần nhất.

Nguyên nhân được cho là bởi tiêu dùng, chi tiêu kinh doanh và xuất khẩu đều giảm do đợt bùng phát Covid-19 mùa hè và nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là thiếu chip và linh kiện, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của nước này.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 3/2021, GDP danh nghĩa của nước này giảm với tốc độ chậm hơn, ở mức 0,6% so với quý trước và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc tăng trưởng âm trong quý trên, nhiều khả năng GDP của Nhật Bản sẽ không thể hồi phục ở mức trước đại dịch COVID-19 như kỳ vọng của Chính phủ nước này vào cuối năm nay.

Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 cũng như sự sụt giảm về doanh số bán xe ô tô do tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và các linh kiện khác trên toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, mức tiêu dùng cá nhân trong quý trên đã giảm 1,1% do chi tiêu cho các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và du lịch giảm mạnh.

Trong khi đó, các hãng chế tạo ô tô của Nhật Bản đã buộc phải cắt giảm sản lượng vì nguồn cung ứng chíp bán dẫn và linh kiện bị hạn chế do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á. Điều này đã khiến cho đầu tư vào hoạt động kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm với mức tương ứng là 3,8% và 2,1%.

Xuất khẩu tháng 10 của Nhật Bản tăng chậm nhất trong vòng 10 tháng do xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chậm lại, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu do tình trạng hạn chế nguồn cung toàn cầu.

Việc xuất khẩu tăng chậm lại cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của Nhật Bản đối với các nút thắt trong chuỗi cung ứng, đặc biệt gây gián đoạn cho ngành công nghiệp xe hơi và làm lu mờ triển vọng về nhu cầu ở nước ngoài.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, lượng xe xuất khẩu sang thị trường này giảm 46,8% trong tháng 10, giảm 46,4% xuất sang Mỹ.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng 26,7% trong năm tính đến tháng 10, so với ước tính trung bình tăng 31,9%, đưa cán cân thương mại thâm hụt 67,4 tỷ yên (586,60 triệu USD), so với ước tính trung bình thâm hụt 310 tỷ yên.

GDP giảm là điều kiện để Thủ tướng Kishida có thêm lý do để tung các chính sách kích thích nhằm khôi phục kinh tế Nhật Bản. Ngoài việc tung kích thích ngắn hạn, ông đã bóng gió về việc muốn bảo đảm tăng trưởng trong trung và dài hạn, cũng như cân bằng thu nhập cho các nhóm người lao động.

Chính phủ Nhật dự kiến sẽ công bố gói kích thích tài khóa trị giá "vài chục nghìn tỷ yên" vào thứ Sáu (19/11) , nhằm “xoa dịu nỗi đau” do đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế. Các gói kích thích tài khóa sẽ có quy mô trên 40.000 tỷ yen (350 tỷ USD).

Ông Kishida cũng từng nói sẽ phát 100.000 yen cho những người từ 18 tuổi trở xuống. Các chính sách khác gồm tăng trả lương cho điều dưỡng, giảm thuế cho các công ty nâng lương và khôi phục hỗ trợ di chuyển nội địa.

Chính phủ nước này cũng sẽ dành 2,5 triệu Yên hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 và tăng khoảng 3% lương cho những người làm việc ở trường mẫu giáo hoặc chăm sóc trẻ em như y tá.

Dự kiến gói kích thích kinh tế trên sẽ được trích từ các nguồn ngân sách còn lại trong tài khóa 2020, phát hành trái phiếu mới và khoản ngân sách bổ sung mà chính quyền của Thủ tướng Kishida dự định ban hành sau khi được thông qua trong một phiên họp quốc hội bất thường. Ngân sách sẽ tài trợ một số biện pháp chính sách cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp