Nhật Bản - Thị trường khó tính nhưng tiêu thụ nông sản lớn

Thương Mại Việt nAM
14:50 - 09/04/2022
Sản phẩm xoài của Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Vietnamplus
Sản phẩm xoài của Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Vietnamplus
0:00 / 0:00
0:00
Dù là thị trường có nhiều yêu cầu sản phẩm đặc biệt khắt khe nhưng với nhu cầu nhập khẩu lớn về nông sản, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt có thể hướng tới.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức ngày 8/4 vừa qua, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết, ngành nông nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm 1,1% tỷ trọng GDP. Với dân số hơn 125 triệu người, Nhật Bản hiện là thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản rất lớn.

Phiên tư vấn diễn ra thông qua cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Phiên tư vấn diễn ra thông qua cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Trong khi đó, thống kê năm 2021 cho thấy Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, đạt giá trị 20,1 tỷ USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản gồm thủy sản đạt 347 triệu USD, cà phê đạt 84 triệu USD, hàng rau quả đạt 35 triệu USD, hạt điều đạt 11,6 triệu USD...

Ưu thế hàng nông sản tại thị trường Nhật

Năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu 742 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, nhiên liệu, nguyên liệu và thực phẩm. Tiêu dùng thực phẩm lớn cùng với nhu cầu nông sản rất cao đã khiến Nhật Bản luôn là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng đối với các nước, trong đó có Việt Nam.

Các mặt hàng nông sản giữa Việt Nam và Nhật Bản lại mang tính bổ trợ cho nhau nên hàng Việt không gặp sự cạnh tranh từ hàng hóa nội địa Nhật. Bên cạnh đó, điều đáng lưu ý là các mặt hàng nông sản nhập khẩu chính của Nhật Bản đều là hàng hóa thế mạnh của Việt Nam. Do đó dư địa cho nông sản Việt vào thị trường Nhật vẫn còn dồi dào.

Tính cả năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam 1,4 tỷ USD hàng thủy sản; hàng rau quả đạt 127 triệu USD; hạt điều đạt 42 triệu USD; cà phê đạt 180 triệu USD; hạt tiêu đạt 7,6 triệu USD.

Riêng hạt điều của Việt Nam chiếm 42,3% thị phần nhập khẩu của Nhật Bản; chuối khô chiếm 78,5%; vải, chôm chôm chiếm 42,9%... Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng cũng chiếm tới 46,2%.

Với mặt hàng cà phê, năm 2021 Việt Nam đã vượt Brazil về lượng xuất khẩu cà phê Robusta sang Nhật.

Ngoài ra, tại Nhật Bản đang có khoảng 500.000 người Việt sinh sống. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhóm người tiêu dùng này để thúc đẩy doanh thu, lượng tiêu thụ khi sản phẩm xuất khẩu chưa có chỗ đứng chắc tại thị trường.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại nhiều ưu đãi thuế quan cho hàng Việt. Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ thương mại gắn bó thân thiết cùng với nhiều FTA như CPTPP, RCEP…

Theo đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ được giảm thuế quan theo lộ trình khi vào thị trường. So với các nước không có FTA cùng Nhật Bản, Việt Nam có ưu thế hơn khi giá hàng hóa được giảm ở mức thấp nhất khi vào đây.

Tiếp cận thị trường Nhật còn nhiều thách thức

Dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên nhìn chung các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Nhật Bản đạt trị giá chưa cao, ngoại trừ hàng thủy sản. Một phần nguyên nhân bởi độ nhận diện hàng Việt không lớn.

Phần lớn các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đều là nguyên liệu thô, khi xuất khẩu sang thị trường Nhật, đến tay người tiêu dùng sẽ phải sử dụng bao bì, tem nhãn của nhà nhập khẩu.

Mặt khác, đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vốn quen xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên việc chuyển đổi sang chính ngạch tại thị trường Nhật Bản tương đối khó khăn.

Nói về khó khăn khi xuất khẩu, chia sẻ với Mekong ASEAN, đại diện CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Xuân Châu có trụ sở tại Đăk Lăk cho biết: “Phía doanh nghiệp đã xuất khẩu mặt hàng chuối và sầu riêng sang Nhật Bản. Trong thời gian đầu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là rào cản về thủ tục giấy tờ".

Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm: "Phía Nhật Bản cũng có yêu cầu khắt khe hơn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Nếu xuất khẩu sang Nhật thì phải đảm bảo các quy định của họ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng cũng là bước cản lớn đối với doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Yến, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư Đức Thiện cho biết: “Tiếp cận đúng đối tượng thì sẽ tìm được khách hàng. Tuy nhiên, để tiếp cận được thì không thể xảy ra trong ngày một ngày hai. Một đơn hàng mà có khách hàng thì phải mất tầm 6 tháng - 1 năm. Nếu doanh nghiệp không đủ kiên nhẫn thì khó mà trụ lại được tại thị trường Nhật Bản”.

Bà Yến cũng cho biết thêm, để tiến vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp còn phải trải qua các quy trình “rất khó tính” của thị trường này.

Những lưu ý đối với doanh nghiệp Việt

Theo bà Quyền Thúy Hà, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại thành phố Osaka thông tin, phía Nhật Bản rất coi trọng vấn đề uy tín. Cho nên doanh nghiệp Việt cần đảm bảo và duy trì chất lượng xuyên suốt quá trình hợp tác. Nếu chỉ cần một lần không đạt yêu cầu, phía doanh nghiệp sẽ bị cho vào danh sách “xem xét” của nhà nhập khẩu Nhật Bản, rút bớt cơ hội thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, hàng nông sản xuất sang Nhật còn cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Hà cũng khuyến nghị phía doanh nghiệp nên đầu tư dây chuyền kỹ thuật, công nghiệp tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm khi xác định thâm nhập vào Nhật Bản.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Nhật ưu tiên trao đổi trực tiếp với phía đối tác. Khi đó, để góp phần nắm chắc cơ hội hợp tác, doanh nghiệp cần xây dựng thông tin giới thiệu công ty, chuẩn bị bản tài liệu giới thiệu (có thể bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh), để phía doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt thông tin.

Nếu có vấn đề phát sinh với các đối tác, phía doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ tại Nhật Bản để được hỗ trợ.

Trao đổi giữa doanh nghiệp và phía Thương vụ.

Trao đổi giữa doanh nghiệp và phía Thương vụ.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Nhằm tháo gỡ thế khó cho doanh nghiệp việt, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh, phía thương vụ đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng các gian hàng. Thương vụ tiếp nhận các hàng mẫu được gửi từ phía doanh nghiệp, qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với các đối tác Nhật Bản.

Đặc biệt, mới đây, phía Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON đã ký biên bản hợp tác thúc đẩy sản phẩm Việt Nam vào hệ thống AEON.

Doanh nghiệp còn có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản thông qua chương trình tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON của Nhật Bản. Đây là chương trình có sự phối hợp giữa Thương vụ Việt Nam và phía Tập đoàn AEON nhằm nâng cao độ nhận diện và tìm kiếm cơ hội của hàng Việt tại Nhật.

Về phía Thương vụ Việt Nam tại thành phố Osaka, doanh nghiệp có thể gửi sản phẩm mẫu, thông tin tài liệu qua Thương vụ để được giới thiệu đến với các đối tác.

Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản năm 2021 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town, tỉnh Saitama. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản
Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản năm 2021 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town, tỉnh Saitama. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Hỏi đáp về thị trường Nhật Bản

Doanh nghiệp muốn tham gia gian hàng AEON thì đăng ký như thế nào? Nếu không thể đến trực tiếp thì có thể gửi sản phẩm đến được không?

Thương vụ: Tuần hàng AEON tổ chức hàng năm. Trong năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp không sang trực tiếp được. Khi đó, phía Tập đoàn AEON phối hợp với Thương vụ đã quyết định chỉ trưng bày sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2022, cũng sẽ thực hiện như vậy. Sang năm 2023, Thương vụ hy vọng có thể đem sản phẩm của doanh nghiệp sang để trưng bày.

Trước sự cố xuất khẩu điều sang Italia, phía Thương vụ có khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp Việt Nam sắp xuất khẩu hàng sang Nhật Bản không?

Phía doanh nghiệp khi muốn nắm bắt thông tin phía đối tác thì nên qua đơn vị luật sư tư vấn ở Nhật Bản. Nếu nhận thấy đối tác có dấu hiệu không an toàn, phía doanh nghiệp cần liên hệ với phía Thương vụ. Phía Thương vụ sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về đối tác.

Một lưu ý quan trọng khác để nhận diện đối tác đó là nắm được thông tin ngân hàng và mã số thuế của đối tác. Nếu là lừa đảo, phái bên họ sẽ không cung cấp thông tin.

Hoặc với số điện thoại, địa chỉ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tìm kiếm thông qua các ứng dụng Internet như Google map…

Tin liên quan

Đọc tiếp