NHNN: 5 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

NGÂN HÀNG Việt nAM
21:06 - 17/06/2022
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước cho rằng thanh toán số đã trở thành xu hướng tất yếu khi các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử đang phát triển mạnh mẽ với đa dạng các sản phẩm dịch vụ mới. 

Thống kê đưa ra chiều 17/6 tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo Tuổi Trẻ Tp HCM và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức cho biết, đến nay tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Hiện có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC), tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2015-2021 đạt 11,44%.

Tính đến tháng 4/2022 so với cuối năm 2021, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, NHNN đã xác định rõ một số quan điểm lớn trong chuyển đổi số của ngành, luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân.

Trong đó, NHNN đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, khoảng 50%-70% nghiệp vụ ngân hàng sẽ được thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ông Dũng đưa ra các đề xuất về giải pháp của NHNN, theo đó:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trước mắt, NHNN tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đặc biệt, thời gian tới, ông Dũng cho biết, NHNN sẽ triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện các cam kết quốc tế.

Đối tượng mà truyền thông giáo dục tài chính hướng tới là đông đảo công chúng, trong đó có người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế, người chưa có tài khoản ngân hàng. Nguyên tắc truyền thông là những nội dung người dân và doanh nghiệp quan tâm bằng hình thức đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ lan tỏa.

Theo NHNN, việc triển khai truyền thông giáo dục tài chính hiệu quả, chuyên nghiệp, sáng tạo góp phần hình thành cộng đồng tài chính tốt, giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện.

Tin liên quan

Đọc tiếp