NHNN: Tăng thêm tín dụng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng

TÍN DỤNG NHNN
19:27 - 18/09/2022
Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc NHNN.
Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc NHNN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, hiện hệ số sử dụng vốn tín dụng đã rất cao tới 100%, tức là đã sử dụng hết vốn lưu động để cho vay, do đó nếu tăng tín dụng nữa sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống.

Chia sẻ tại tạo đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc NHNN nhận định, năm nay thế giới nhiều biến động khó lường, phức tạp, nhiều biến cố ngoài dự đoán và chưa từng có tiền lệ. Trong đó, lạm phát là rủi ro hàng đầu.

Để kiềm chế lạm phát, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới lúc đầu còn chần chừ do đánh giá lạm phát chỉ là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng thực tế, diễn biến lại không đơn giản. Lạm phát vẫn dai dẳng, các Ngân hàng Trung ương bắt đầu tăng nhanh lãi suất, kéo theo nguy cơ suy thoái.

Trong bối cảnh ấy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành và đã phải sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất, tránh không bị kéo vào vòng xoáy chung của thế giới. Mặc dù chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy hiệu quả nhưng theo ông Hà, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài tới năm 2023. Vì vậy, NHNN vẫn phải chú trọng vấn đề này, không thể lơ là.

Phiên toạ đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn - Kinh tế Xã hội 2022.

Phiên toạ đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn - Kinh tế Xã hội 2022.

Ông Hà cho biết, trong chính sách tiền tệ, áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là biện pháp hành chính hiệu quả. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, có năm ở mức trên 30%. Trong 10 năm trở lại đây, hạn mức này được điều chỉnh ở mức 12 – 14%, qua đó ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối…

Theo Phó Thống đốc, năm nay NHNN đã tính toán hạn mức tín dụng ở ngưỡng 14%, cao hơn những năm trước. Dòng vốn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế vào lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên, việc trái phiếu gặp “ách tắc” thời gian qua đã tạo thêm áp lực lên tín dụng. Hiện hệ số sử dụng vốn tín dụng rất cao tới 100% (tức là đã sử dụng hết vốn lưu động để cho vay); nếu tăng tín dụng nữa sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản.

Ông nhận định, sản xuất kinh doanh cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không thể chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng. Đó là đầu tư công, FDI, chứng khoán… Vì vậy, nếu có “ách tắc” trên các thị trường này thì phải nhanh chóng giải quyết.

Cần giải pháp đồng bộ phát triển thị trường trái phiếu

Liên quan đến khai thông "ách tắc" tại các kênh huy động vốn khác để giảm áp lực cho hệ thống tín dụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi báo tin tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đó là ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây chính là khuôn khổ pháp lý để thị trường phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Ông Chi cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu thì cần tính đến một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trong đó, cốt lõi vẫn phải tiến hành rà soát ở nhiều cấp độ, với 3 nhóm vấn đề xem xét: Điều kiện đối với doanh nghiệp khi chào bán trái phiếu; điều kiện đối với nhà đầu tư tham gia; hình thức phát hành trái phiếu (khi nào riêng lẻ, khi nào công chúng).

Cần đa dạng, cải thiện cầu đầu tư với trái phiếu. Hiện trạng thị trường vốn hiện nay cho thấy nhà đầu tư cá nhân khá đông đảo nhưng thiếu rất nhiều nhà đầu tư tổ chức. Đó là các ngân hàng đầu tư, các quỹ… Nhà đầu tư cá nhân muốn đầu tư thì có thể qua quỹ trái phiếu. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân đều phải được đào tạo, nâng cao khả năng hiểu biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Nâng cao chất lượng của các định chế trung gian tài chính: Chứng khoán, tổ chức tín dụng, thẩm định giá, kiểm toán… Chất lượng dựa trên năng lực, đạo đức nghề nghiệp (yêu cầu rất cao).

Tăng cường giám sát kiểm tra, quan trọng là thể chế hoá và phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan chức năng phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm.

Truyền thông minh bạch, kịp thời về các chính sách, quy định của pháp luật. Khuyến nghị với thị trường, đề phòng rủi ro.

“Chúng tôi tin tưởng với những giải pháp như trên, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra về thị trường trái phiếu, chia sẻ khó khăn với các tổ chức tín dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Cần duy trì hạn mức tín dụng cho tới khi ổn định lạm phát

Ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cho biết, lạm phát toàn cầu là một hiện tượng phổ biến. Khi lạm phát xảy ra, lãi suất chính là công cụ hiệu quả để kiểm chế.

Việc tăng lãi suất nhằm vào ba mục tiêu chính: Hạ bớt cầu về tín dụng, do giá tiền lên thì cầu giảm; làm dịu bớt thị trường lao động đang tăng nóng (thời gian qua nhiều công ty đã tăng tiền lương để kéo lao động trở lại sau đại dịch); làm cho đồng nội tệ tăng lên.

Vậy trong bối cảnh hiện tại, NHNN điều hành lãi suất nên tăng hay giảm? TS Trương Văn Phước khuyến nghị, lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất. Đặc biệt, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

"Ngân hàng Trung ương các nước theo chính sách tăng lãi suất để hạn chế cung tiền. Việt Nam không tăng nhưng vẫn hạn chế được lạm phát vì có hạn mức tín dụng. Vì vậy, hạn mức tín dụng vẫn cần phải duy trì cho tới khi ổn định lạm phát", ông Phước nêu quan điểm về hạn mức tín dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.