Nhóm doanh nghiệp logistics phản ánh bất cập tại Cục Hải quan TP HCM

logistics Tp hcm
00:48 - 03/12/2022
Nhóm doanh nghiệp logistics phản ánh bất cập tại Cục Hải quan TP HCM. Ảnh minh họa
Nhóm doanh nghiệp logistics phản ánh bất cập tại Cục Hải quan TP HCM. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm 4 doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam - Campuchia vừa gửi công văn phản ánh và kiến nghị những bất cập của việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại Chi cục Hải quan Khu vực I, Cục Hải quan TP HCM.

4 doanh nghiệp ký trong công văn là Công ty TNHH MTV Vận Tải Biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch Vụ Tiếp vận toàn cầu, CTCP Vận tải thủy Tân Cảng và CTCP Tân Cảng Cypress. Đây là các doanh nghiệp vận tải hàng hoá container đường thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia từ các cảng khu vực TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Phnôm Pênh và ngược lại.

Trong công văn nêu trên, các doanh nghiệp phản ánh tuyến hàng hóa này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguyên nhân các doanh nghiệp này đưa ra là do một số cán bộ tại Chi cục Hải Quan Khu vực I, Cục Hải Quan TP HCM đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra thực tế thủ công kéo dài số lượng lớn container hàng hóa quá cảnh đi Campuchia bằng đường thủy nội địa.

“Dù kiểm tra thực tế 1 container trong một tờ khai lại giữ toàn bộ các container trong tờ khai đó dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm hóa”, các doanh nghiệp nêu ý kiến.

Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 - 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 3 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai Hải quan (Ngày phát hành Quyết định giữ hàng đúng theo quy định nhưng thực tế nhưng không chuyển đến doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp này cho rằng, công chức Hải quan tại đây khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container mặc dù hàng hóa đồng nhất, không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần, khiến khách hàng, đối tác rất bất bình.

“Quyết định kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% hàng hóa vì công chức Hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container”, nhóm doanh nghiệp nêu trong công văn phản ánh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng cho rằng quy định tại Thông tư 39 khi áp dụng với hàng container quá cảnh trên tuyến vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia là chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế.

Theo Hiệp định song phương, người vận chuyển chỉ nhận hàng hóa, thông tin từ hãng tàu biển sau khi hàng đã dỡ xuống cảng biển Việt Nam để thực hiện dịch vụ vận chuyển. Họ không phải là chủ hàng để có thể khai báo chi tiết về lô hàng quá cảnh (hàng hóa không phát sinh thuế nhập khẩu tại Việt Nam).

“Chi cục Hải quan Khu vực I, Cục Hải quan TP HCM dựa vào điều này để liên tục kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh và xử phạt doanh nghiệp vận tải với các lỗi rất vô lý. Ví dụ như: hàng đóng sai quy cách, sai số lượng... trong khi hàng hóa không thuộc các mặt hàng cấm, còn nguyên niêm phong”, công văn của đại diện các doanh nghiệp viết.

Các doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng khai báo chi tiết hàng hóa quá cảnh theo Thông tư 39, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi.

Ngoài ra, áp dụng việc khai báo hàng container quá cảnh của người vận chuyển bằng đường thủy nội địa tương tự như các hãng vận chuyển hàng hải đang thực hiện;

Xây dựng hướng dẫn riêng rõ ràng, thống nhất về việc kiểm tra, giám sát hàng quá cảnh Việt Nam – Campuchia nhằm phù hợp với các quy ước, hiệp định quốc tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

“Khi cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong 1 container, giải phóng ngay các container còn lại thuộc tờ khai bị kiểm hóa để tiếp tục vận chuyển. Chỉ kiểm tra thực tế khi thực sự cần thiết, đảm bảo tuân thủ điều khoản của Hiệp định. Không gây cản trở một cách không cần thiết việc tự do giao thông thủy”, nhóm doanh nghiệp đề xuất.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.