Nhóm ngân hàng giúp VN-Index đảo chiều ngoạn mục, khối ngoại đứt chuỗi mua ròng

VN INDEX NGÂN HÀNG
16:24 - 31/01/2023
Các cổ phiếu ngân hàng lớn bứt phá.
Các cổ phiếu ngân hàng lớn bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên 31/1, VN-Index đã chính thức kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm. Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm ngân hàng, chứng khoán giúp chỉ số đảo chiều ngoạn mục trong giờ giao dịch cuối.

VN-Index mở cửa phiên hôm nay tiếp nối diễn biến tiêu cực từ phiên hôm qua, có thời điểm giảm hơn 10 điểm và thủng mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên từ sau 14h, dòng tiền mua “đổ bộ” mạnh giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại số điểm đã mất, đặc biệt là các lệnh mua lớn được đặt vào phiên ATC.

Kết phiên, VN-Index tăng 8,6 điểm lên mốc 1.111,18 điểm, HNX-Index tăng 1,65 điểm còn UPCoM cũng tăng 0,4 điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức khả quan với hơn 14.300 tỷ đồng được giao dịch bằng phương pháp khớp lệnh. Tuy nhiên khối ngoại đã chính thức dứt chuỗi mua ròng với việc bán ròng hơn 120 tỷ đồng trên sàn HoSE, trên tổng số hơn 2.500 tỷ đồng giao dịch.

Mã bị bán mạnh nhất là VNM với 157 tỷ đồng. ST8 và DGC lần lượng bị bán ròng 80 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VHM, KDH, VCB, KDC, DPM, KBC…

Ngược lại, khối ngoại vẫn miệt mài gom vào cổ phiếu đầu ngành thép. HPG được mua ròng với giá trị 172 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng 55 tỷ đồng, tiếp sau là HCM, HDB, PNJ, VIC, STB, FRT…

VN-Index giữ vững mốc 1.100 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng. Trong đó, VCB có đóng góp lớn nhất với mức tăng 2,2%. STB và TPB cũng tác động tích cực khi tăng lần lượt 4,8% và 4,6%. Các mã lớn như ACB, CTG, HDB, TCB, VIB đều tăng tốt hơn 2%. Với các mã nhỏ, VAB bứt phá khi tăng 5,1%. Chiều giảm có SSB, SGB, PGB, NVB và BAB.

Trong kỳ báo cáo tài chính kết thúc năm 2022, ngân hàng là một trong các nhóm ngành có kết quả tích cực nhất với việc hầu hết các nhà băng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 37.300 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Techcombank, BIDV, MB, VPBank lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo và đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng. Các ngân hàng tư nhân khác gồm ACB, VIB và HDBank đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng.

Sự phục hồi của VN-Index hôm nay còn nhờ trợ lực từ nhóm chứng khoán. Đóng góp lớn nhất là từ SSI khi tăng 2,9%. VND, VIX cũng tăng gần 2%. PHS bứt phá tăng hơn 11%, VIG tăng hơn 5%, FTS tăng 4,8%, nhiều mã tăng từ 3-4% như VFS, SHS, SBS, HCM, CTS, BMS…

Các nhóm ở chiều tăng hôm nay còn có thủy sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, nhựa – hóa chất, bán lẻ, nông nghiệp, khai khoáng… Ngược lại, bất động sản, bảo hiểm, công nghệ thông tin là những nhóm ở chiều giảm.

Tại nhóm bất động sản, tác động tiêu cực đến từ VIC, VHM, VRE khi bộ ba nhà Vingroup đều giảm giá. KBC, NLG, SNZ, TCH, SJG cũng kết phiên trong sắc đỏ. Những mã penny như CEO, DIG, HDG, DXG, CII, HDC, VPI… lại ghi nhận mức tăng tốt.

Trong phiên hôm nay, các thị trường châu Á, từ Trung Quốc tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… đều chìm trong sắc đỏ. Vì vậy, việc VN-Index chính là cú “lội ngược dòng” ngoạn mục. Chỉ số kiểm tra lại vùng 1.100 điểm rồi bật lên là một trong những chỉ dấu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục duy trì sóng hồi. Tuy nhiên, khối ngoại trở lại bán ròng là yếu tố cần theo dõi.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang ngóng thông tin về cuộc họp đầu tiên trong năm của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) diễn ra từ ngày 31/1 đến 1/2. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp này và mức tăng bao nhiêu sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự vận động của dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tin liên quan

Đọc tiếp