Những doanh nghiệp đầu tiên báo lợi nhuận quý 2 đi lùi

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:03 - 17/07/2022
Gang thép Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong quý 2.
Gang thép Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong quý 2.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi nhiều doanh nghiệp lãi đậm, tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước thì cũng không ít công ty báo lỗ hoặc lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2022.

CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) công bố báo cáo tài chính quý 2 với doanh thu ở mức 239 tỷ đồng, giảm 32% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm đến 48%, còn 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận tài chính giảm 28%; lợi nhuận khác cũng giảm 95% do quý 2 năm trước công ty ghi nhận 21 tỷ đồng tiền thanh lý vườn cây cao su. Kết quả, PHR báo lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 chưa đến 9 tỷ đồng, giảm 76% so cùng kỳ.

Nhờ quý 1 khả quan nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn đạt 249 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần. Kết quả này có được là do trong quý 1, công ty mẹ PHR đã ghi nhận lãi đột biến 299 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ ghi nhận thu tiền bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III.

Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.253 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng; lần lượt tăng 26% và gấp 2,2 lần năm 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 40%. Như vậy sau nửa đầu năm, PHR đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu công ty mẹ và 1/3 chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Lợi nhuận PHR đột biến năm 2020 do khoản tiền bồi thường thiệt hại khi bàn giao đất làm khu công nghiệp (số liệu 6 tháng đầu năm 2022 là kết quả kinh doanh công ty mẹ).

CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2 giảm mạnh đến 90% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 6 tỷ đồng. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu thuần của công ty giảm 10% so cùng kỳ, còn hơn 3.190 tỷ đồng. Do giá vốn chiếm hơn 3.100 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp sụt giảm 90%, còn hơn 46,6 tỷ đồng. Biên lãi gộp rơi từ 12,89% xuống 1,46%.

Mặc dù doanh thu tài chính tăng 92%, lên hơn 10,3 tỷ đồng do ghi nhận lãi bán hàng trả chậm nhưng sau khi trừ đi các chi phí, TIS chỉ lãi ròng xấp xỉ 6 tỷ đồng, giảm 90% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty đã đem về hơn 6.900 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so cùng kỳ. Lãi ròng giảm 66%, về gần 35 tỷ đồng.

Năm 2022, TIS đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ; song lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42%. So với kế hoạch đề ra, TIS mới thực hiện được 34,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,2% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo báo cáo tài chính quý 2, Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.290 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 74,8 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu cao hơn cùng kỳ là do giá bán điện cao dẫn đến doanh thu cao. Còn lợi nhuận giảm là do doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ mang về 6,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 203 tỷ đồng quý 2/2021. Đây là khoản tiền nhận cổ tức và lãi tiền gửi.

6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 2.367 tỷ đồng doanh thu thuần, 155 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng 3% về doanh thu nhưng giảm 40% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, PPC đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 5.428 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái 23%; lợi nhuận trước thuế gần 278 tỷ đồng, tăng 57% so với thực hiện 2021. Tính tới hết tháng 6, công ty đã đạt 43,6% chỉ tiêu doanh thu và hơn 65% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong cuộc họp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS) cho biết doanh thu khoảng 2.830 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 69 tỷ, lần lượt giảm 8% và giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 380 tỷ đồng, giảm 9%. Kết quả này lần lượt vượt 56% - 65% chỉ tiêu 6 tháng đầu năm. Còn so với kế hoạch cả năm, PVS đã thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận.

Thời gian qua, PVS tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ (như vận chuyển, lắp đặt tháp, tua bin gió, rải cáp ngầm). Bên cạnh đó là cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại – Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh.

Tổng công ty cũng đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận. Tại thị trường nước ngoài, PVS đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo hai trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation – OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trước thực trạng chứng khoán ảm đạm trong quý 2, 2 công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy lợi nhuận sụt giảm. Chứng khoán Agribank (mã AGR) đạt hơn 86 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 21,5 tỷ đồng, giảm 92%. Nguyên nhân do doanh thu dịch vụ môi giới, thu nhập khác và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của AGR đạt 188 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 72 tỷ đồng, giảm 76%. Năm 2022, AGR đặt kế hoạch 430 tỷ đồng doanh; lợi nhuận trước thuế đạt 178 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được gần 44% mục tiêu doanh thu và 49% chỉ tiêu lãi trước thuế.

CTCP Chứng khoán VIX (mã VIX) ghi nhận tổng doanh thu đạt 322 tỷ đồng trong quý 2, giảm 9,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, giảm 46%. Trong đó doanh thu chủ yếu được đóng góp từ hoạt động tự doanh, hoạt động môi giới chứng khoán chiếm tỷ trọng không đáng kể (32 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 768 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 326 tỷ đồng, giảm 23,5%. Năm nay, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế giảm 10,8% so với thực hiện trong năm 2021 về 656 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, VIX đã hoàn thành 49,8% kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm, VIX đẩy mạnh huy động vốn từ cổ đông giúp gia tăng lượng tiền mặt trong kỳ, đồng thời sử dụng đầu tư thêm vào cổ phiếu và trái phiếu chưa niêm yết lên tới 2.636 tỷ đồng.

Mới đây nhất, bà Dương Thị Hồng Hạnh, em dâu bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIX đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1,82% lên 3,64% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/7 đến 17/8. Bà Hạnh là vợ ông Nguyễn Văn Tuấn, cổ đông sở hữu 15,02% vốn điều lệ tại Chứng khoán VIX. Ông Tuấn đang là Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex (mã GEX).

Ngoài các công ty trên thì một số doanh nghiệp khác cũng báo lỗ, lợi nhuận giảm như CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (mã PXM), lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý 2/2022, nối dài mạch thua lỗ từ quý 4/2013 đến nay. Đến ngày 30/06/2022, vốn chủ sở hữu PXM âm hơn 437 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối lũy kế hơn 590 tỷ đồng. Chứng Liên Việt (LVS) lỗ gần 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 1,6 tỷ đồng, chủ yếu do mảng tự doanh thua lỗ vì các cổ phiếu giảm giá. Tính chung trong nửa đầu năm 2022, công ty này lỗ ròng hơn 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 32 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã HNR) đạt doanh thu đạt hơn 34,6 tỷ đồng trong quý 2, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, trong ba tháng qua, Halico vẫn chịu lỗ hơn 2,3 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân dẫn tới điều này là do chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên. Tuy nhiên, Halico đã thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Halico đạt doanh thu hơn 65,5 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời lỗ hơn 6 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã DRI) ghi nhận doanh thu giảm 4,4% so với cùng kỳ về 113,18 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 86,8% so với cùng kỳ về chỉ còn 4,42 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 49,5% về còn 48,9%. Phân bón Bình Điền (mã BFC) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Đầu trâu ước tính lợi nhuận quý 2 đạt 75 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi sản lượng sụt giảm mạnh.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm nhấn tích cực, tình hình kinh doanh của đa số doanh nghiệp cũng khả quan. Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia cho nửa cuối năm còn lại, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn. Trong đó, tỷ giá, lạm phát và tăng lãi suất là những áp lực chính.

Lạm phát và lãi suất sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên. Xa hơn, đến năm 2023, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi nếu Mỹ và EU đi vào suy thoái. Bởi đây là hai thị trường tiêu thụ rất lớn của Việt Nam. Tầm ảnh hưởng có thể lan rộng chứ không chỉ trong phạm vi các ngành xuất khẩu. Trong khi đó, chuỗi cung ứng vẫn đang yếu ớt do tác động của đại dịch, đẩy giá nhiều loại hàng hóa chiến lược tăng cao. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp vì thế sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp