Những kiến nghị của doanh nghiệp kiều bào để nông sản Việt cất cánh

Những kiến nghị của doanh nghiệp kiều bào để nông sản Việt cất cánh

XUẤT KHẨU Nông Sản
15:58 - 16/02/2022
Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall ở Hoa Kỳ… các DN kiều bào muốn góp phần đưa nông sản Việt đi khắp bốn phương.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt Kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM VÀNG ĐỂ KẾT NỐI

Với lợi thế 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại…cánh cửa thị trường đã rộng mở hơn và là điều kiện tốt để nông sản Việt Nam đi ra các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

"Đây là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhận xét.

Tại “Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp” vừa qua, các doanh nhân kiều bào đã đưa ra hàng loạt kiến nghị với mong muốn thúc đẩy nông sản Việt vươn tầm ra thế giới.

Nhận định về khả năng xuất khẩu nhiều hơn nông sản Việt vào thị trường Bắc Âu, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, thị trường Bắc Âu không quá lớn nhưng số lượng hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ không hề nhỏ.

"Đây là thị trường đòi hỏi điều kiện rất cao về cả mẫu mã, chất lượng và bao bì. Ví dụ như hiện nay sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam đang gặp phải khó khăn tại thị trường Bắc Âu do chưa đủ tiêu chuẩn về những hóa chất trong thành phần. Tôi rất mong Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sớm giải quyết vấn đề này”, ông Diệp Văn Tỷ đề xuất.

Là một nhà đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng việc làm nông nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do quy chế và quy trình phải trải qua quá nhiều khâu trung gian và khi đến được tay người tiêu dùng, giá của sản phẩm đã bị đẩy lên quá cao.

Bên cạnh đó, ông Tỷ cho rằng các nhà đầu tư rất cần những thông tin cụ thể về từng vùng nguyên liệu trồng gì, nuôi gì, ở đâu, sản lượng bao nhiêu và chất lượng như thế nào.

CẦN CÓ CƠ CHẾ GIẢM THUẾ, PHÍ CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP

Bày tỏ là "một doanh nghiệp có tình yêu to lớn với nông nghiệp và rất mong muốn đưa các sản phẩm Việt Nam ra quốc tế, ông Lê Bá Linh, Giám đốc Pacific Foods khẳng định "nông sản Việt không hề thua kém so với thế giới" nhưng để thắng được, doanh nghiệp "cần biết nắm bắt cơ hội".

Là doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng như xúc tiến đưa vải thiều sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, đồng thời xuất gạo ST25 sang Canada và Vương quốc Anh, Giám đốc Pacific Foods đề xuất một số giải pháp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, ông Linh cho rằng cần có cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Doanh nghiệp nên được tạo cơ chế phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch. Tiếp theo là có các chính sách tổng thể hỗ trợ người lao động, trong đó có vấn đề bảo hiểm, phối hợp nguồn lực của Chính phủ như giảm tiền điện, giải quyết các vấn đề tổng thể liên quan tới việc làm, cũng như dịch chuyển nguồn lao động.

Ông Linh cũng đề xuất Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, như Pacific Foods xin cơ chế xuất khẩu gạo trực tiếp, thay vì xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu.

Đồng thời, đại diện Pacific Foods cũng xin cơ chế bảo trợ truyền thông cho các sản phẩm nông nghiệp. Ông Linh lấy ví dụ về việc nước mắm từng bị cho là nhiễm asen, dù chỉ một số sản phẩm nằm trong khu vực bị nhiễm, nhưng hầu như tất cả đều bị ảnh hưởng.

Công ty Pacific Foods cho biết, đã xây dựng chính sách định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời đào tạo nhân sự theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới, nhưng hàng rào kỹ thuật cũng sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Lê Bá Linh đề nghị các bên có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU CHUNG

Chia sẻ những trăn trở về việc tận dụng tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, TS. Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp nước sở tại, cần hướng tới chinh phục được thị trường này.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa… Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ luôn sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong nước và là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị phân phối ở châu Âu.

Tuy nhiên, ông Huê cho rằng, hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Hiện, đã có hệ thống trung tâm thương mại ở hầu hết các nước Đông Âu, trong các trung tâm thương mại này có người chủ là người Việt Nam, 80% doanh nghiệp hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%, đây là lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần tận dụng và cải thiện.

“Để giải quyết việc này, các cơ quan quản lý nên tạo ra một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ”, TS. Hoàng Mạnh Huê kiến nghị.

ĐỪNG LẤY TIÊU CHÍ BÁN HÀNG RẺ, CẦN ĐỀ CAO CHẤT LƯỢNG

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, ông Võ Văn Long cho rằng, trong việc đánh giá thị trường, không nên nói thị trường Đức là thị trường khó tính, mà là một thị trường đầy tiềm năng. Vì hàng hóa của Việt Nam vào được Đức thì chắc chắn vào được các thị trường khác.

“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tất cả các mặt hàng nông sản ở Đức đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nên lấy tiêu chí hàng rẻ mà phải lấy tiêu chí hàng chất lượng. Muốn có hàng chất lượng thì phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã”, ông Long khuyến nghị.

Ông Long cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất nên kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Các doanh nghiệp của người Việt tại Đức chính là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận được thị trường Đức

“Tôi đã nghiên cứu, nhân dân Đức tiêu dùng hàng hóa của châu Á rất nhiều, nhưng lượng nông sản của chúng ta vào rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Đó là trăn trở và mong muốn của chúng tôi, rằng Chính phủ phải tạo ra được không gian kết nối, để doanh nghiệp trong nước cùng doanh nghiệp của chúng tôi tại Đức đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, ông Long nói.

THAM GIA VÀO CÁC HỆ THỐNG PHÂN PHỐI CÓ SẴN

Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 11,9 tỷ USD, chiếm 27,5% thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các thị trường, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC (Hoa Kỳ) cho biết, đây là một thị trường khổng lồ với 333 triệu dân, đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn dành cho sản phẩm nhập khẩu cao, thực phẩm và dược phẩm cao.

“Việc Trung Quốc đang dần bị loại ra khỏi thị trường Hoa Kỳ là cơ hội lớn cho Việt Nam do sức mua của thị trường Hoa Kỳ đang rất lớn, giá cả đang có xu hướng tăng. Ngoài ra nhu cầu và tập quán tiêu dùng đa dạng, môi trường và chính sách rất thuận lợi”, bà Jolie Nguyễn đưa ra nhận định.

Chia sẻ về những thách thức trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Hoa Kỳ, CEO Công ty LNS US LLC cho biết Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan, Đài Loan, Mexico và cả chính nước sở tại.

Theo đó, bà Jolie Nguyễn cho rằng các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật các tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Hoa Kỳ. Trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.

“Nếu không thể tự mình phát triển thị trường với thương hiệu riêng, các doanh nghiệp có thể tham gia vào một hệ thống phân phối có sẵn, theo quy chuẩn của nhà phân phối. Đồng thời, tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục”, bà Jolie Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài ra, các đơn vị cần giám sát truy xuất nguồn gốc rõ ràng minh bạch, tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, vệ sinh ATTP theo quy định. Phải kiểm soát tốt các tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt sự hài lòng và nhu cầu cho khách hàng bằng việc theo dõi quy trình chất lượng, bao bì, hình thức và đồng đều, ổn định chất lượng tại phân khúc mình đã chọn.

7 KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

"Tôi đã từng đưa các chuyên gia nông nghiệp người Israel về Việt Nam. Họ có nói rằng Việt Nam của các bạn là đất nước phải phát triển nông nghiệp. Tại sao đến nay vẫn chưa phát triển? Tôi đã và đang cố gắng để góp phần làm nên điều đó”, bà Hồng Shurany, Việt Kiều Israel nói.

Đưa ra "7 kiến nghị để cho nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh", theo bà Hồng, trước tiên cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra 1 cuộc cách mạng nông nghiệp mớI; Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thế về thuế, hải quan, thuế suất mới FTA; Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.

Thứ ba là khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp. Nhất là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều. Ví dụ Nhà nước ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa 2 nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam.

Cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản cũng là một trong những gợi ý của Việt kiều này.

Bà Hồng cũng cho rằng, cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Và tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cho việc vay vốn, thông tin đầu tư, kinh doanh xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu nông sản, lập quỹ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu từ Việt kiều.

“Chính phủ cần ưu tiên tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” cản trở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xuất khẩu, không có thang giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logistics, thương mại, xuất khẩu”, bà Hồng Shurany kiến nghị.

Chia sẻ về những hoạt động của Hiệp hội phối hợp với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch giữa hai nước, ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch hiệp hội doanh nhân Thái lan - Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ.

Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam theo đường chính ngạch. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam để người sở tại biết về nông sản Việt Nam, từ đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm;

Quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến biến nông sản đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của từng thị trường. Đồng thời, thúc đẩy việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt;

Giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt, tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

Tổ chức các chương trình cho doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài về nước tìm hiểu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, tham quan cơ sở sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu chủ lực...

Cung cấp thông tin về các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

CHÚ TRỌNG ĐẾN NGUỒN GỐC NGUYÊN LIỆU

Đại diện doanh nghiệp có sản phẩm chính là các dòng rượu cao cấp, ông Nguyễn Hoài Daniel cho biết, các nguyên liệu thuần Việt được công ty ưu tiên sử dụng. Đồng thời, công ty đã xây dựng thương hiệu dựa trên cơ sở văn hoá câu chuyện và lịch sử Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng Sông Cái Distillery, nhà sáng lập rút ra kinh nghiệm từ việc bảo tồn giống. Do sử dụng các giống bản địa, nên công ty đã mất nhiều thời gian sưu tầm và hợp tác cùng bà con nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc như người H’mong, Dao Đỏ, Nùng, H’Rê… Qua đó, ông biết rằng nhiều giống quý đã mất hoặc có nguy cơ cao do thiếu nhận thức, hoặc chưa được hỗ trợ về cách quản lý và nguồn tài chính để duy trì.

“Vấn đề là khi đã chuyển sang giống công nghệ cao thì chỉ cần qua vài mùa là các hạt giống cũ không thể trồng trọt được nữa, không thể lấy lại được. Sau quá trình xin hạt và mất 5 mùa để thuần hoá lại giống, công ty đã cung cấp cho nông dân trồng lại, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra ở mức gấp 3 lần thị trường”, ông Nguyễn Hoài Daniel chia sẻ.

“Muốn phát triển thương hiệu, chúng ta không chỉ xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý mạnh hơn mà còn phải bảo vệ bản quyền và hướng dẫn bà con đoàn kết và làm ra các sản phẩm mang lại giá trị cao”, ông Hoài nhận định.

Đọc tiếp