Những nhóm cổ phiếu được dự báo nhiều lực ‘tạo sóng’ nửa cuối năm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
15:06 - 05/07/2022
Trong bối cảnh hiện tại, việc chọn cổ phiếu đầu tư sẽ cần cẩn trọng hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, việc chọn cổ phiếu đầu tư sẽ cần cẩn trọng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường trải qua những đợt sụt giảm mạnh nhưng vẫn có những nhóm ngành “tạo sóng” như phân bón, dầu khí, thủy sản, điện. Vậy trong nửa cuối năm, nhóm ngành nào sẽ đủ lực để dẫn dắt dòng tiền?

Theo báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.330 - 1.500 điểm trong năm 2022; với P/E mục tiêu cho năm 2022 là 12,5 - 14 lần. Đội ngũ phân tích ước tính EPS thị trường sẽ duy trì ở mức tăng trưởng cao, bình quân 21% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022 - 2023, đây là yếu tố thúc đẩy xu hướng đi lên của thị trường trong dài hạn.

VNDirect cho rằng nửa cuối năm 2022, 5 nhóm ngành sau có thể mang lại cơ hội đầu tư:

Dịch vụ lưu trú, du lịch, giải trí: Với việc Việt Nam mở cửa trở lại ngành du lịch từ giữa tháng 3 năm 2022, nhu cầu liên quan đến các ngành này đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Cổ phiếu ưa thích của VNDirect thuộc nhóm này bao gồm ACV, AST.

Ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhóm doanh nghiệp giữ nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng. VNDirect cho rằng ngân hàng là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam. Các đại diện cần chú ý là FPT, GAS, VPB, TCB, HDB.

Doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm: Giá hàng hóa sẽ có sự phân hóa, trong đó giá thép, phân bón, sữa bột nguyên kem, ngô, đường… sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022. Sự đảo chiều của giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thực phẩm, sẽ báo hiệu cho mức tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm. Hai cổ phiếu cần quan tâm bao gồm VNM và MCH.

Đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ và sự đảo chiều của giá vật liệu xây dựng. Các mã tiềm năng thuộc nhóm này bao gồm HPG, PLC, C4G.

Ngành năng lượng Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi lớn do các ưu tiên của Chính phủ nhằm duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tính bền vững của môi trường. Các cổ phiếu điện và nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ vượt trội trong vài năm tới. 3 cổ phiếu nổi bật của ngành này gồm POW, GAS, PVS.

Diễn biến cổ phiếu GAS thời gian qua. TradingView

Diễn biến cổ phiếu GAS thời gian qua. TradingView

Tại talkshow “Chọn danh mục” của Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) nhìn nhận, nhà đầu tư có thể giải ngân tại vùng hiện tại, ở những cổ phiếu được định giá hợp lý.

VESAF yêu thích và giải ngân tỷ trọng lớn vào một số ngành được hưởng lợi, đặc biệt là mảng liên quan đến FDI và xuất khẩu. Bởi bức tranh lợi nhuận của những doanh nghiệp này ít biến động hơn, sức chống chọi tốt hơn và nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi trong điều kiện vĩ mô hiện thời.

Trong đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp được VESAF đánh giá cao. Bởi dù thế giới có biến động thì nhu cầu chuyển dịch sản xuất vẫn sẽ tiếp tục. Đối với nhóm dầu khí, bên cạnh việc giá dầu tăng cao, có thể kể đến mặt đầu tư của Việt Nam, những mỏ khí mới sẽ đi vào hoạt động và là nền tảng tốt cho các doanh nghiệp dầu khí thời gian tới.

Nhóm xuất khẩu cũng tương tự. Theo bà Phương, khi nguồn cung toàn cầu đang rất thiếu do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine thì những doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sẽ tốt trong những tháng cuối năm, như nhóm dệt may hay thủy sản - những doanh nghiệp có thể quản lý tốt nguồn nguyên vật liệu. Ngoài ra, nhóm kho bãi, logistics cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Trong bối cảnh lạm phát đe dọa, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bắt đầu rục rịch hồi phục những phiên đầu quý 3. Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết thời gian qua, mức giảm của cổ phiếu ngành ngân hàng không lớn so với các ngành khác. Mức định giá trên sàn đang chưa phản ánh đúng tình hình kinh doanh của các ngân hàng.

Theo ông Tuấn, chỉ số P/E của ngành ngân hàng đã được đưa về khoảng 10 – 11 lần, trong khi P/B khoảng 1,5 lần. Đây được đánh giá là mức hấp dẫn cho nhà đầu tư có thể nghiên cứu, xem xét những ngân hàng có được năng lực tăng trưởng tốt để đầu tư mang tính chất dài hạn.

Ông Tuấn nhận định, Ngân hàng Nhà nước hàng năm vẫn có đánh giá và thường tháng 10 sẽ có đợt nới room tín dụng cho một số ngân hàng đạt được chỉ tiêu đề ra. Dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ rất lớn, từ đó chắc chắn sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận của ngành tốt hơn.

Trong khi đó, nếu mức giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này vẫn không tăng thì sẽ dẫn đến chỉ số P/E của toàn ngành giảm xuống và kích thích dòng tiền nhàn rỗi. Khi dòng tiền này được kích hoạt, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp