Nợ ngắn hạn của Sao Ta gia tăng lên mức hơn 700 tỷ đồng

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:30 - 13/04/2022
Nợ ngắn hạn của Sao Ta tăng, đạt mức hơn 700 tỷ đồng - Ảnh: minh họa
Nợ ngắn hạn của Sao Ta tăng, đạt mức hơn 700 tỷ đồng - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo Thường niên 2021 vừa công bố, nợ phải trả của Sao Ta tăng lên 723 tỷ đồng, chủ yếu do nợ quỹ lương người lao động và nợ ngắn hạn cung cấp cho công ty thành viên.

Cụ thể, nợ phải trả cuối năm của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) tăng 14% so với năm 2020. Riêng nợ vay ngắn hạn đạt 713 tỷ đồng; dài hạn tăng lên 9 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng chủ yếu là nợ ngắn hạn nhà cung cấp của công ty thành viên và nợ quỹ lương người lao động cuối năm chưa chi.

Trong khi đó, tổng tài sản của Sao Ta trong năm 2021 đạt 2.699 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2020. Tài sản ngắn hạn đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 76%. Tài sản dài hạn đạt 549 tỷ đồng, tăng 12%. Hàng tồn kho cũng tăng mức 54%, đạt 940 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn tăng chủ yếu do đây là tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối năm; thu tăng do doanh số bán quý 4 tăng 19%; tồn kho các khoản hầu hết đều tăng như tồn kho thành phẩm…

Đối với tài sản dài hạn, nguyên nhân tăng chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn do đang xây dựng Nhà máy Thủy sản Tam An và Nhà máy Thủy sản Sao Ta.

Năm 2021, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.199 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020, trong khi giá vốn hàng bán tăng từ 3.985 tỷ đồng lên mức 4.669 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 535 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng 27%, vượt 62 tỷ đồng so với năm ngoái.

Về kết quả hoạt động tài chính năm 2021, Sao Ta tiêu thụ 17.941 tấn tôm; nông sản tiêu thụ đạt 1.592 tấn. Sản lượng tôm chế biến trong năm 2021 tăng mạnh do giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo dài từ cuối năm 2020 đã kích thích người nuôi mạnh dạn đầu tư nuôi tôm, khiến nguồn cung trở nên dồi dào.

Mặt khác, sản lượng tôm tiêu thụ tăng do các tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất được duy trì ổn định, đủ nguồn cung cho các hợp đồng đã ký.

Sắp tới, Sao Ta sẽ tiến hành tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 15/4/2022 tại Sóc Trăng, trong đó sẽ tiến hành thông qua Báo cáo Tài chính kiểm toán 2021; mức chi cổ tức 2021 và kế hoạch 2022. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương mức chi trả 2.000 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch năm 2022

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, Sao Ta ghi nhận đã thu 58,7 triệu USD. Doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2022 với 230 triệu USD doanh số chung, tăng 11,3% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt ít nhất là 320 tỷ đồng, tăng 10,7%.

Trong năm 2022, Sao Ta vẫn đánh giá và coi trọng hai thị trường lớn là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngoài ra, công ty cũng tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc, đồng thời tập trung phát triển sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, phục vụ phân khúc thị trường cao cấp.

Tin liên quan

Đọc tiếp