Nỗi buồn của cổ đông khi doanh nghiệp 'chuyển lãi thành lỗ'

KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP
15:47 - 16/06/2022
Kem Tràng Tiền thuộc sở hữu của One Capital Hospitality, công ty con của Ocean Group.
Kem Tràng Tiền thuộc sở hữu của One Capital Hospitality, công ty con của Ocean Group.
0:00 / 0:00
0:00
Dù có giảm so với trước nhưng hiện vẫn xuất hiện nhiều doanh nghiệp từng báo lãi lại chuyển sang lỗ sau khi tiến hành kiểm toán. Điều này ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn và người thiệt hại trực tiếp chính là các cổ đông đang đồng hành cùng doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán OGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 với tổng doanh thu đạt hơn 529 tỷ đồng, tăng gần 1% so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, điều đáng nói là con số lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, giảm gần 385 tỷ đồng so với lãi hơn 105 tỷ đồng trước kiểm toán. So với năm 2020, lợi nhuận của doanh nghiệp này đi lùi thêm 485 tỷ đồng.

Sự tăng vọt của giá vốn hàng bán (tăng 33%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng gấp 79 lần) là yếu tố chính góp phần khiến Ocean Group từ lãi sang lỗ sau kiểm toán. Sự thay đổi này phần lớn đều xuất phát từ các khoản trích lập dự phòng với nợ xấu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Theo giải trình từ phía công ty, giá vốn hàng bán tăng 102 tỷ đồng do công ty con là Công ty cổ phần One Capital Hospitality (OCH) - chủ sở hữu kem Tràng Tiền, phải trích lập dự phòng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang với dự án Saigon Airport Plaza. Trước đó, OCH dùng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Khách sạn Saigon Airport để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long) tại Ocean Bank. Nếu Pegasus Thăng Long không thể trả được nợ, tài sản đảm bảo sẽ bị bán để thu hồi.

Về phía OCH, lỗ sau thuế của công ty này sau kiểm toán khoảng 468 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 77 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó. Điều này khiến thâm hụt lợi nhuận lũy kế của chủ kem Tràng Tiền tăng lên 830 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái.

Đối với chi phí quản lý doanh nghiệp từ 4 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 290 tỷ đồng, Ocean Group lý giải điều này liên quan tới việc thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo khả năng thu hồi và kết quả việc bán nợ trong năm 2022.

Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ lũy kế của Ocean Group tăng cao, ở mức hơn 2.700 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Theo công ty kiểm toán AFC Việt Nam, điều này cho thấy tồn tại các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của OGC.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) cũng là doanh nghiệp “bốc hơi” lợi nhuận sau kiểm toán. Theo đó, sau kiểm toán năm 2021, TTF ghi nhận doanh thu giảm 33,1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về 1.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 17,5 tỷ đồng về âm 8,7 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đã chuyển từ lãi 8,8 tỷ đồng sang lỗ 8,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 54,9 tỷ đồng lên 139,9 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 11,2 tỷ đồng về chỉ còn 21,8 tỷ đồng; doanh thu thuần giảm 33,1 tỷ đồng về 1.607 tỷ đồng và một số yếu tố khác.

Đáng chú ý, kiểm toán nhấn mạnh, tính tới 31/12/2021, nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.052 tỷ đồng và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn với số tiền là 252 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty. Theo báo cáo tài chính, tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn của công ty là 2.342 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 2.090 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (mã chứng khoán CTI) lần đầu nếm trái đắng thua lỗ vào năm 2021 kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên khoản lỗ này phải sau khi kiểm toán làm việc mới lộ ra. Cụ thể, CTI lỗ sau thuế hơn 13,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi tới 101 tỷ đồng; lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng, trong khi trước kiểm toán lãi gần 3 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, CTI ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm 73% so với báo cáo tự lập, xuống còn 3,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt giảm. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 6% lên 191,8 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 25% từ 153,3 tỷ đồng lên tới 191,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiểm toán còn điều chỉnh tăng mức trích lập dự phòng đầu tư vốn vào các công ty con.

Nhà đầu tư thiệt hại khi sự thật "phơi bày"

Ngoài các doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ trên, vấn đề minh bạch thông tin tài chính còn được đặt ra ở những công ty có điều chỉnh lớn về báo cáo tài chính sau kiểm toán. Như CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) lỗ sau thuế tăng mạnh từ 524 tỷ đồng lên 890 tỷ đồng sau kiểm toán, nâng tổng lỗ lũy kế đến hết năm lên gần 694 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính gia tăng gấp 6 lần so với con số trong báo cáo tự lập.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và hợp nhất trong báo cáo tài chính của CTCP Fecon (FCN) ghi nhận giảm lần lượt 40% và 38% so với báo cáo tự lập, xuống mức 48 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán của CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) giảm 64 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, xuống còn 513 tỷ đồng. CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HU1) lỗ ròng gần 4 tỷ đồng sau kiểm toán, trong khi tại báo cáo tài chính tự lập được công bố trước đó lãi hơn 1 tỷ đồng.

Thực tế, gian lận, sai sót trong báo cáo tài chính đã và đang diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Sai phạm này đã được phát hiện ngay cả ở những tập đoàn lớn và các công ty kiểm toán uy tín. Bởi nắm được tâm lý mua bán cổ phiếu và nắm giữ dựa trên nền tảng thông tin công bố của các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã “lách” bằng cách thời điểm đáng ra phải công bố doanh nghiệp lỗ thì họ lại xử lý một báo cáo có lãi. Khi sự thật được “phơi bày” thì mọi thứ “đã rồi”, và người thiệt hại nhất chính là những nhà đầu tư trót đặt niềm tin vào doanh nghiệp.

Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương tăng nóng trong giai đoạn 3 tháng đầu năm, từ vùng 7.000 đồng lên 20.000 đồng. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, mã này lại lao dốc mạnh và hiện chỉ còn 11.600 đồng.

Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành cũng lao dốc từ đầu tháng 4, sau khi báo cáo tài chính kiểm toán được công bố. Mã giảm từ vùng 17.000 đồng/cp xuống chỉ còn hơn 7.000 đồng. Cổ phiếu của CTI cũng tương tự khi giảm từ 25.000 đồng (đầu tháng 4) xuống còn hơn 13.000 đồng.

Cổ phiếu TTF lao dốc sau khi công ty công bố báo cáo kiểm toán. TradingView

Cổ phiếu TTF lao dốc sau khi công ty công bố báo cáo kiểm toán. TradingView

Trước tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, mới đây, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.