Nới room tín dụng, cuộc đua lãi suất vẫn sôi động

LÃI SUẤT NGÂN HÀNG
11:10 - 11/09/2022
Nới room tín dụng, cuộc đua lãi suất vẫn sôi động
0:00 / 0:00
0:00
Tuy Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cuộc đua lãi suất vẫn sôi động giữa các ngân hàng thương mại, đè nặng áp lực lên lãi suất cho vay.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí hôm 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo tới các đơn vị này.

Theo thông tin trong ngành, có khoảng 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này. Hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như: Sacombank (STB) 4%; Agribank (AGR) 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; SHB 3,2%; tiếp theo là OCB (3,1%) và VIB (3%).

Một số ngân hàng được cấp thêm 2,7% gồm: Techcombank, MBBank. Ngân hàng TPBank cũng được bổ sung thêm 1,2% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay. Tại khối các ngân hàng quốc doanh ngoài Vietcombank được cấp thêm 2,7% thì BIDV, VPBank và VietinBank được cấp thêm 0,7%.

Trong khi đó, Sacombank là ngân hàng được giao thêm hạn mức tín dụng cao nhất với room tăng thêm 4%.

Động thái lãi suất từ các ngân hàng

Ở một diễn biến khác, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1% một năm.

Mới đây, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên 6,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4%/năm. Tương tự với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng tăng 0,1%/năm lên 6,9 - 7%/năm. Còn với kỳ hạn 6 - 7 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,15% đưa lãi suất tiết kiệm lên 6,5%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.

Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,55%/năm; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 7,3%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,1%/năm...

Với nhóm "Big 4", Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục duy trì biểu lãi suất tương tự hồi đầu tháng 8 với mức cao nhất là 5,6%/năm.

Ngược lại, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa có động thái điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6-6,1%/năm. Lãi suất ở các kỳ hạn 13,18 và 24 tháng khi gửi online sẽ là 6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Lý do cuộc đua vẫn có thể sẽ tiếp tục sôi động là cho dù với các ngân hàng đã tiệm cận room tín dụng, không cho vay mới được nữa thì vẫn không thể ngừng huy động và duy trì vốn huy động, nên vẫn phải đảm bảo một lãi suất huy động đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân khách gửi tiền.

Trong khi đó, đối với các ngân hàng vẫn còn room tín dụng, nhất là các ngân hàng nhỏ, luôn trong tình thế phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh được với những ngân hàng lớn, mạnh hơn.

Các chuyên gia của SSI Research đã từng cho rằng, sau khi hạn mức tín dụng được nới, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng – tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào khi đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh.

Gia tăng áp lực lên lãi suất cho vay

Sau 3 tháng gần như nằm im vì vấn đề vốn, doanh nghiệp chỉ còn hơn 3 tháng để tăng tốc về đích cuối năm và nguồn vốn rất quan trọng ở giai đoạn này. Quyết định nới room tín dụng được nhiều khách hàng đón nhận tích cực. Các doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn tăng thêm sẽ tiếp thêm "oxy" cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhiều ngân hàng hiện nay đã tiệm cận mức 8 - 9%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3 - 4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng đã ở mức hơn 11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn.

Báo cáo của FiinGroup mới đây cho hay, lãi suất cho vay trên thực tế đã tăng, bình quân tăng 0,4 điểm phần trăm từ mức rất thấp trong quý I/2022.

Chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và có thể sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Tương tự, tại báo cáo kinh tế giữa tháng 8, HSBC nhận định trong bối cảnh FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, quý III sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN. HSBC cho rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát, nhưng lãi suất cho vay khó có thể giảm.

Phát biểu tại họp báo Chính phủ ngày 6/9, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất thời gian vừa qua mặc dù có biến động tăng nhưng ở mức độ nhẹ, trong đó lãi suất huy động tăng 0,25% và lãi suất cho vay tăng 0,24%. Đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9%-9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3%-6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm.

Cũng theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành.

Ông Tú cho biết, để giải quyết câu chuyện vừa kiểm soát lạm phát vừa khôi phục kinh tế nhanh và hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn như triển khai trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.