'Nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL'

'Nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL'

KINH TẾ ĐBSCL
19:12 - 02/08/2022
Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng cho kinh tế ĐBSCL, nhưng trong dài hạn, tăng trưởng và sự thịnh vượng của khu vực này cần phải đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

Phát biểu tại lễ công bố Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022) ngày 1/8, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tới những thách thức mà khu vực này đang gặp phải.

Hội thảo chính sách “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ quy hoạch tích hợp” trong khuôn khổ lễ công bố báo cáo đặt ra một câu hỏi: "Để phát triển bền vững, ĐBSCL sẽ phát triển như thế nào nếu như tiếp tục dựa vào điều kiện tự nhiên như trước đây?"

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

ĐBSCL được biết đến vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, trụ cột kinh tế chính đến từ ngành nông nghiệp. Nhưng vùng đất này đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, ông Công nói.

Nông nghiệp là bệ đỡ, nhưng chưa đủ

Theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Tuy nhiên, về lâu dài một mình ngành nông nghiệp sẽ không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều ghi nhận mức tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là 0,8% và 1,8%.

Đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá khu vực ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ trên vùng Đông Nam Bộ nơi dịch Covid-19 khốc liệt nhất. Hai năm đại dịch giống như "lửa thử vàng" giúp bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, đồng chủ biên AMDER 2022 cho rằng, nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL, chỉ trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu.

Ảnh tác giả

Mặc dù phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhưng về lâu dài, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế của ĐBSCL không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

TS. Vũ Thành Tự Anh

Không phát triển được công nghiệp, dịch vụ thì kinh tế ĐBSCL cũng không tăng trưởng được. Vì vậy cần phải nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này, ông Tự Anh nhìn nhận.

ĐBSCL có tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình rất cao, trong giai đoạn 2015-2020 lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%), cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tuy nhiên đây cũng đồng thời là "nghịch lý" cho thấy hạn chế của hai khu vực này.

Cũng theo ông Tự Anh, thực tế trên thế giới chưa có quốc gia nào giàu có chỉ nhờ vào nông nghiệp. Vì vậy, cây lúa cũng chỉ giúp ĐBSCL ổn định chứ khó có thể giúp nông dân giàu lên khi có tới 50% hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 0,5 ha.

“Với diện tích manh mún sẽ rất khó để sản xuất lớn cũng như tăng cường hợp tác nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học bởi chính nhà nông đang không tương thích với các nhà còn lại”, ông Tự Anh nói.

3 vòng xoáy thử thách

Theo báo cáo của VCCI, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: "Vòng xoáy ngân sách" phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên có tình trạng lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; và "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của 2 vòng xoáy trên.

Tại buổi công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, một thông điệp rất mạnh, rất thẳng thắn từ báo cáo, đó là cần phải thay đổi tư duy, đảo ngược vòng xoáy.

Theo bà Chi Lan, dưới góc độ doanh nghiệp, họ cần các chính sách của Trung ương và việc thực thi ở các cấp địa phương một cách thấu đáo: "Tôi vẫn luôn nói thành công của doanh nghiệp, 50% là do môi trường kinh doanh”.

Lấy ví dụ từ Thái Lan, bà Chi Lan nêu câu hỏi “Tại sao Thái Lan có nền nông nghiệp vượt trội Việt Nam mặc dù điều kiện của họ cũng tương đương chúng ta?”. Theo bà, cái chính là nhờ hệ sinh thái hoàn chỉnh, về cách làm trong việc hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp...cho sự phát triển nông nghiệp.

Một nút thắt khác xuyên suốt các thảo luận của cả báo cáo thường niên 2020 và 2022 là cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng. Các cơ chế này hiện nay thiếu hiệu lực và hiệu quả, trong khi lực "ly tâm" trong liên kết vùng mạnh, còn lực "hướng tâm" lại đang rất yếu.

Ảnh tác giả

Tư duy liên kết vùng
Muốn thay đổi trước hết phải thay đổi về tư duy. Tư duy phát triển nông nghiệp ĐBSCL phải là tư duy của cả vùng, liên kết vùng và cả liên vùng nữa vì muốn phát triển nông nghiệp ĐBSCL không thể không tính đến vai trò, sự kết nối vô cùng cần thiết với TP HCM và Đông Nam Bộ và với các vùng khác trong cả nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL xuất hiện như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics.

Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

Theo bà Chi Lan, điều quan trọng nữa là phải tính đến lợi ích của nông dân, doanh nghiệp. Dường như lâu nay nói về thành tựu của nông nghiệp, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến thành tích xuất khẩu nông sản, trong khi vẫn phải nhập khẩu khá nhiều đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Thị trường nội địa rất quan trọng, có những mặt hàng nếu phát triển ở thị trường nội địa có lẽ đem lại lợi ích, thu nhập cho nông dân còn cao hơn xuất khẩu. Mặc dù ta ký nhiều FTA nhưng việc tận dụng được hoàn toàn không đơn giản nếu như chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô, bà Phạm Chi Lan nhìn nhận.

"Từ chỗ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, ĐBSCL sẽ là nơi cung cấp dinh dưỡng...Tôi mong muốn ĐBSCL không chỉ là nơi cung cấp lương thực thực phẩm chung chung mà là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng cho phát triển nòi giống của người Việt Nam trong tương lai", bà Lan kỳ vọng.

Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, để đảo ngược “vòng xoáy” thành "vòng xoáy đi lên", phải thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Đó phải là khả năng tiếp cận với lương thực, khả năng tạo ra được dinh dưỡng cho người sử dụng, khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong điều kiện cần thiết…, chứ không phải cứ có lúa gạo là có an ninh lương thực.

Tiếp đến là tăng cường đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, tăng chất lượng, số lượng nguồn nhân lực để đảm bảo khi các nhà đầu tư đến thì có sẵn nguồn lực về lao động để đáp ứng được nhu cầu.

Trước những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều quan tâm và chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Gần đây nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 2 năm nay và công bố vào tháng 6/2022. Đây là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ

Đọc tiếp