'Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng yên trước dòng chảy thay đổi của thế giới'

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
09:45 - 14/11/2022
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng tổng thể vẫn còn khoảng cách khá xa với những nền nông nghiệp tiên tiến.

Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam 14/11 gửi tới cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, bà con nông dân toàn ngành, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ, suốt hành trình 77 năm, với tinh thần đoàn kết cùng sự nỗ lực, đồng lòng và sáng tạo của hàng triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, hợp tác xã... đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Chắc chắn rằng, phía trước sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Đối diện mỗi khó khăn, thách thức, hãy bình tĩnh nhắc nhau rằng: Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi sẽ còn khó khăn hơn nhiều lần”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan viết.

Làm rõ tầm quan trọng của sự thay đổi, Bộ trưởng NN&PTNT phân tích, phần lớn sự cân nhắc là dành nhiều cho cái giá phải trả khi thay đổi, nhưng lại thiếu cân nhắc về cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi. Nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng tổng thể chung vẫn còn khoảng cách khá xa với những đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, giờ là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ so sánh với chính mình, không chỉ đánh giá kết quả tăng trưởng năm sau với năm trước, để tự bằng lòng với thành tích đạt được. Ngành nông nghiệp cần mở rộng quan sát, tìm hiểu các nền nông nghiệp có điều kiện, đặc điểm sản xuất, kinh doanh tương đồng, để tham khảo, phân tích và áp dụng phù hợp về cách làm hay, mô hình mới, phương thức tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích.

“Chúng ta không được lảng tránh thực trạng nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đầy rủi ro. Chúng ta không được tự trấn an rằng mình đã làm hết sức rồi, còn lại là do người sản xuất không chịu hợp tác với nhau, doanh nghiệp không chịu đi cùng nhau”, tư lệnh ngành Nông nghiệp bộc bạch.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, những người làm nông nghiệp không nên trông chờ duy nhất vào nguồn lực Nhà nước, trông chờ vào chỉ đạo từ bên trên, dễ dẫn đến việc thiếu đi hoặc đánh mất động lực tìm tòi, sáng tạo, kiên nhẫn mở từng nút thắt.

Để có được sự thay đổi tư duy cho chặng đường về sau của 77 năm tiếp tục phát triển, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, mỗi người cần tự khai phóng nguồn năng lượng trong mỗi cá nhân, hướng đến những điều mới mẻ.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng cho rằng bên cạnh việc bày tỏ nỗi bức xúc thì tất cả những người trong ngành cũng không thể đứng ngoài những bài toán khó hiện nay như tình trạng ùn ứ nông sản, việc bà con nông dân tại một số nơi ồ ạt thay thế cây trồng trong khi nhu cầu thị trường liên tục thay đổi khó dự báo.

Bên cạnh đó là tình trạng nông sản một số nơi bị đánh tráo, gian lận nhãn hiệu, chứng nhận GAP, hữu cơ trong một số hệ thống phân phối. Do đó, theo Bộ trưởng, định hướng mỗi người trong ngành nông nghiệp hiện nay là phải tìm ra giải pháp cho những vấn đề trên.

Ông Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên. Ảnh tư liệu.

Ông Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên. Ảnh tư liệu.

Cách đây 77 năm (14/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Năm 1995, Bộ Canh nông đã đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14/11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.

Việc lấy ngày 14/11 là Ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kháng chiến giành độc lập đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; đặc biệt là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp